21/08/2015 12:00
TP. Buôn Ma Thuột là đô thị loại I nhưng nhiều tuyến đường rác thải sinh hoạt vẫn còn xả bừa bãi, ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Với mức sống của người dân mỗi ngày được nâng cao thì nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm gia tăng đã làm cho khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn trở thành nỗi quan ngại rất lớn, nó đã thực sự đe dọa đến sức khỏe của người dân.
Nhiều tuyến đường rác thải sinh hoạt còn xả bừa bãi gây mất mĩ quan đô thị.
Ước tính mỗi ngày TP. Buôn Ma Thuột thải ra môi trường hàng trăm tấn chất thải sinh hoạt, trong khi các khu xử lý chất thải đang quá tải. Năm 2010, tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt thu gom, xử lý trên 47.580 tấn/năm (bình quân trên 130tấn/ngày). Đến năm 2014, tổng lượng CTR sinh hoạt thu gom, xử lý trên 75.000tấn/năm (bình quân trên 205tấn/ngày). Từ năm 2010 đến nay thu gom xử lý CTR tăng bình quân trên 5.480 tấn/năm. Rác thải do người dân không có ý thức vứt ra khắp nơi nào là túi nilông, xác động vật chết, thực phẩm dư thừa,… trên các tuyến đường phố, thôn, buôn, ngõ xóm đến kênh, mương, ao hồ,... chỗ nào tiện và gần cũng có thể vứt rác, đổ chất thải sinh hoạt ra đường không những làm ô nhiễm môi trường mà còn gây phản cảm với người tham gia giao thông. Trong khi đó, có nhiều vùng còn chưa có bãi rác tập trung, xa trục giao thông chính, chưa có điều kiện mở rộng dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt trong khi lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều.
Chị Trương Thị Nhàn (Công nhân vệ sinh phụ trách địa bàn phường Tân An, Công ty TNHH Môi trường Đông Phương), đã gần chục năm gắn bó với nghề quét rác. Chị tâm sự: “Mặc dù vẫn biết nghề vệ sinh môi trường là một nghề phục vụ “ khách hàng là thượng đế” nhưng không khỏi chạnh lòng khi nghe những câu nói khó nghe: “ Không vứt lấy đâu ra rác cho các chị làm!”.
Vấn nạn ô nhiễm môi trường vì rác thải sinh hoạt đang trở thành mối lo ngại chung của toàn xã hội. Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt. Nhiều người còn có tư tưởng thiển cận "sạch nhà ta, mặc nhà hàng xóm", coi việc giữ gìn, bảo vệ môi trường không phải là việc của cá nhân mình mà là việc của xã hội. Ở những khu vực không được bố trí thùng rác thì người dân bỏ vào trong các bịch nilông, hộp giấy để ngay trên vỉa hè, mép đường chờ đơn vị môi trường đi thu gom. Thậm chí, rác thải còn được treo lủng lẳng trên các cột điện, thân cây… Vì vậy, những bịch rác để trên vỉa hè, lòng đường, rất dễ bị những cơn gió hoặc chuột, chó, mèo phá phách, làm bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị. Điều đáng nói nữa là tại một số điểm đã được trang bị thùng rác, nhưng một số bộ phận người dân vẫn chưa có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định. Qua quan sát, không ít người dân cầm trên tay bịch rác, tới gần thùng rác là để túi rác bên cạnh, chứ không bỏ vào thùng rác để đảm bảo vệ sinh… Thực tế, phần lớn người dân không tự xử lý phân loại rác nên việc chôn lấp, thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn; Bên cạnh đó, nhiều hộ dân mở các đại lý thu mua, tập kết chất thải rắn có khả năng tái chế như phế phẩm được làm từ nhựa, bao nilông, các kim loại cũ hỏng, bình ắc quy, những đồ có chứa chất độc hại như axít, không những gây ô nhiễm môi trường khi tập kết về một điểm để sơ chế mà còn có nguy cơ gây cháy nổ rất lớn trong khu vực dân cư; Sự gia tăng các hoạt động kinh doanh vỉa hè, quán ăn, xe đẩy ven đường; Rác rơi vãi từ các xe chở vật liệu; Nạn vứt tờ rơi trên đường... đã làm cho rác thải phát sinh trên đường phố, khu vực công cộng ngày càng lớn, làm gia tăng chi phí vệ sinh công cộng.
Theo số liệu của của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trong 30 năm qua có khoảng 40 bệnh tật mới phát sinh có nguồn gốc từ ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm không khí sẽ gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp; ô nhiễm nước gây bệnh về đường tiêu hóa, nhiễm độc, ung thư; ô nhiễm tiếng ồn gây điếc, cao huyết áp, trầm cảm, mất ngủ; ô nhiễm nước do dầu tràn gây ngứa, rộp da, bệnh ngoài da… 80% các loại bệnh tật của con người liên quan đến nước và vệ sinh môi trường. Có thể nói, những hệ lụy do môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng đã, đang và sẽ biểu hiện hằng ngày, qua mức độ gia tăng các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người và vật nuôi; gia tăng các loại bệnh cấp và mãn tính có nguyên nhân từ môi trường bị ô nhiễm.
TP. Buôn Ma Thuột ngày càng phát triển về mọi mặt, đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi thì việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị là vấn đề cần phải được quan tâm, chú trọng. Trong đó, trước hết là bắt đầu từ việc xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống của cộng đồng và gia đình, bản thân của mỗi người. Chính quyền, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ rõ tác hại của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của cộng đồng, người dân xung quanh khu vực có bãi rác và những lợi ích từ việc đảm bảo vệ sinh môi trường. Cần có những chế tài để xử lý nghiêm những hành vi xả rác bừa bãi gây mất mĩ quan đô thị. Cần tiến hành xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường như thành lập các tổ, đội vệ sinh môi trường để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp trên địa bàn mình sống./.
Bài, hình: Võ Quỳnh
(Trung tâm Truyền thông GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác