11/11/2015 12:00
Năm 2013, Luật phòng chống tác hại thuốc lá và Nghị định 176 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế liên quan đến thuốc lá có hiệu lực, thế nhưng sau gần hai năm triển khai thực hiện, tình trạng hút thuốc lá tại huyện Krông Bông vẫn diễn ra khá phổ biến, việc áp dụng các quy định cũng như chế tài xử phạt gặp không ít khó khăn, tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Khảo sát tình hình hút thuốc lá tại huyện Krông Bông
Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể
Với mục tiêu tạo sự đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tham gia xây dựng môi trường không thuốc lá, ngay sau khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, đề ra mục tiêu cụ thể: tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Đưa Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) vào kế hoạch hoạt động hàng năm và quy định việc cấm hút thuốc lá vào quy chế nội bộ của từng cơ quan, đơn vị; đưa nội dung hút thuốc lá vào quy ước, hương ước của thôn, buôn lấy đó làm tiêu chí xét danh hiệu gia đình, thôn, buôn văn hóa. Đồng thời, Ban chỉ đạo PCTHTL còn phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Theo đó, Trung tâm y tế và Phòng Y tế có nhiệm vụ tham mưu triển khai thực hiện các văn bản, chính sách và các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe. Đài truyền thanh truyền hình huyện tăng thời lượng phát sóng và đăng tải thông tin về phòng chống tác hại thuốc lá và các biện pháp cai nghiện. Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với Công an kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đại lý bán thuốc lá hạn chế tình trạng khuyến mại, tiếp thị và kinh doanh thuốc lá không đúng quy định. Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác truyền thông thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá cho cán bộ, giáo viên và học sinh các trường học. UBND các xã, thị trấn tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức người lao động và nhân dân tự giác chấp hành việc không hút thuốc lá tại nơi công cộng và nơi làm việc.
Song song với công tác chỉ đạo thì hoạt động tuyên truyền PCTHTL cũng được thực hiện dưới nhiều hình thức. Cụ thể: tuyên truyền qua hệ thống loa, đài của huyện, xã, thôn, buôn; tuyên truyền lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, các chương trình văn hóa, văn nghệ, mit tinh, diễu hành, cổ động, treo băng rôn, khẩu hiệu nhân ngày thế giới không thuốc lá v.v…
Trước sự vào cuộc mạnh mẽ này, hoạt động PCTHTL dần dần đã có kết quả. Tuy nhiên, việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thì chỉ dừng lại ở các cơ sở y tế và ngành Giáo dục. Còn một số các đơn vị khác vẫn chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Với người dân, việc hút thuốc lá vẫn diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí, ngay cả những nơi có quy định cấm hút thuốc hoặc có cán bộ nhắc nhở, họ vẫn ung dung “nhả khói” cho đỡ cơn ghiền. Vậy làm thế nào để các ban, ngành, đoàn thể và người dân cùng tích cực tham gia công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá?
Thăm hộ gia đình tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá tại huyện Krông Bông
Cần có chế tài mạnh hơn
Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, trung tuần tháng 10 năm 2015, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe đã tổ chức một buổi thảo luận nhóm với sự tham gia của lãnh đạo một số các ban, ngành đoàn thể của huyện và của xã. Trong buổi thảo luận, hầu hết, các đại biểu đều cho rằng: “Nhà nước đưa ra quy định những nơi công cộng cấm người dân hút thuốc lá nhưng tại sao các hoạt động bán thuốc lá vẫn diễn ra hàng ngày. Ở Krông Bông, công tác tuyên truyền các văn bản, chính sách và các quy định về PCTHTL luôn được đẩy mạnh, thế nhưng lại có một nhà máy chế biến thuốc lá được đặt ngay trục đường chính vào trung tâm huyện. Liệu đây có phải là hình ảnh khiến công tác tuyên truyền bị phản tác dụng? Ngoài ra, hiện nay, giá thuốc lá không cao nên nhiều đối tượng có thể tiếp cận được, kể cả trẻ vị thành niên, học sinh ở các trường học. Mặc dù Việt Nam chưa cho phép nhập khẩu thuốc lá, nhưng thuốc lá đến tay người tiêu dùng quá dễ dàng và thuận tiện. Nguyên nhân thứ hai của tình trạng hút thuốc lá vẫn tràn lan, khó kiểm soát là do: Các hình thức truyền thông còn nghèo nàn; việc xử phạt hành chính vi phạm khi hút thuốc lá tại những khu vực cấm thì hầu như chưa được áp dụng. Trong khi số người sử dụng thuốc lá quá nhiều, đội ngũ có trách nhiệm giám sát và xử phạt lại quá mỏng. Mặc dù huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, song việc phân công trách nhiệm xử phạt chưa cụ thể nên chưa răn đe và cảnh cáo được người vi phạm. Đối với cán bộ công nhân viên chức, tình trạng hút thuốc lá vẫn còn diễn ra là do lãnh đạo chưa quan tâm đẩy mạnh, thậm chí vẫn có một số lãnh đạo còn hút thuốc lá thì công tác tuyên truyền, phổ biến cho cấp dưới cũng chỉ mang tính chất hình thức, đối phó”.
Vì vậy, để góp phần giảm tác hại của thuốc lá và nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, các đại biểu tham dự buổi thảo luận cũng đề xuất: “Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCTHTL thì công tác kiểm tra, xử phạt cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc bán thuốc lá tràn lan trên thị trường cần phải được siết chặt. Đặc biệt, rất cần việc nêu cao ý thức của mỗi cá nhân trong đó có người đứng đầu cơ quan đơn vị”./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh - Đình Thi
(Trung tâm TT-GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác