31/03/2020 03:14
Hiện nay, công tác Dân số ở Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng có những cơ hội mới và nhiệm vụ mới. Đó là việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Đây là những văn bản rất quan trọng, định hướng cho công tác dân số trong thời gian tới.
Tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 vẫn còn xẩy ra ở xã Ea Kuếh, huyện Cư M'gar.
Thực hiện Nghị quyết số 21, ngày 25/10/2017 của ban chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, những năm gần đây, công tác Dân số ở Đắk Lắk đã chuyển biến rõ rệt, các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch được giao. Năm 2019, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 68,02%; tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,1%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 210% so với kế hoạch...từng bước cải thiện giống nòi và nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, công tác dân số cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục như: tỷ số giới tính khi sinh hưn 113 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 14,8%, chất lượng dân số thấp... Chị Trần Thị Huấn – Viên chức dân số xã Ea Kuếh, huyện Cư Mgar cho biết: “Người dân vẫn thích sinh đông con, phải có con trai và con gái...”.
Hiện nay, thách thức lớn nhất trong công tác dân số là việc đổi mới tư duy và nhận thức về chính sách dân số. Nghị quyết công tác dân số trong tình hình mới đó là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển và đặt dân số trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Điều này không đơn giản, bởi hàng chục năm nay, trong tâm trí người dân và cán bộ quản lý, tư duy dân số chỉ là giảm sinh và sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.
Bên cạnh đó, thách thức đang tác động trực tiếp tới công tác dân số là hệ thống tổ chức bị xáo trộn khi sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế. Điều này đã tạo ra những dao động rất lớn về tâm tư tình cảm, ý thức, thái độ và trách nhiệm trong công việc của đội ngũ làm công tác dân số. Không những vậy, do phụ cấp cho Cộng tác viên dân số quá thấp. Hàng tháng, mỗi Cộng tác viên chỉ được nhận 100.000 – 150.000 đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng loạt Cộng tác viên dân số xin nghỉ việc.
Truyền thông nâng cao chất lượng dân số ở xã Ea Kuếh, huyện Cư M'gar.
Thực hiện Nghị quyết về công tác Dân số trong tình hình mới, năm 2020, ở Đắk Lắk tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh hợp lý, đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; giảm chênh lệch giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Do đó, các mô hình, đề án sẽ tiếp tục được duy trì như: Mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Tăng cường cung cấp dịch vụ Dân số-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên, Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, các địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các hoạt động. Trong đó, công tác truyền thông được chú trọng. Ngành chức năng đã tập trung đẩy mạnh tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về công tác dân số ở các cấp, tạo sự đồng thuận trong xã hội; sản xuất và cung cấp sản phẩm truyền thông đến với người dân; tư vấn trực tiếp, nói chuyện chuyên đề...về kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số. Ông Nguyễn Duy Lợi – Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế Cư M’gar cho biết: “Chúng tôi chú trọng truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm tình trạng tảo hôn...nhằm nâng cao chất lượng dân số, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Thực tế ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay, để đạt được các mục tiêu về công tác dân số trong tình hình mới rất cần sự nỗ lực của ngành Y tế và toàn xã hội. Trong đó, việc quan trọng hàng đầu là tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành các Đề án trong Chương trình hành động của chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó, cần xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho việc đưa Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đi vào thực tiễn cuộc sống.
Dương Thị Liên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác