Nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực để đẩy mạnh sự phát triển bền vững của đất nước. Ảnh: T.L
"Sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong chính sách dân số
Nghị quyết số 04 - NQ/NTW Hội nghị Trung ương Đảng khoá VII, ngày 14/01/1993 về chính sách DS-KHHGĐ, xác định: "Công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội".
Năm 2001, khi mức sinh giảm thấp, mục tiêu "Mỗi gia đình có 2 con" gần đạt được, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã đặt vấn đề nâng cao chất lượng dân số: "Chính sách dân số nhằm chủ động kiểm soát quy mô và tăng chất lượng dân số phù hợp với những yêu cầu phát triển kinh tế xã hội…". Văn kiện các Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đều đề cập vấn đề nâng cao chất lượng dân số. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII về "Công tác dân số trong tình hình mới" yêu cầu: "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững". Gần đây nhất, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 được ghi trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là:"Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn Dân số với Phát triển".
Rõ ràng, bước sang thế kỷ 21, nâng cao chất lượng dân số là bộ phận quan trọng, là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong chính sách phát triển đất nước nói chung và chính sách dân số nói riêng của Đảng.
Cần đa dạng hoá các giải pháp
Chất lượng dân số chưa cao hạn chế chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, đồng thời là thách thức lớn đối với quá trình phát triển bền vững, bao trùm của Việt Nam. Vì vậy, cần thống nhất quan điểm, đa dạng giải pháp thích hợp với mỗi giai đoạn cuộc đời nhằm nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc rằng, nâng cao chất lượng dân số là tiêu điểm của chính sách dân số Việt Nam hiện nay, là trách nhiệm của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.
Nhờ kiên trì đẩy mạnh KHHGĐ, Việt Nam đã đạt được và duy trì vững chắc mô hình gia đình nhỏ, "Mỗi cặp vợ chồng có 2 con". Như vậy, tính chung trên phạm vi cả nước, Việt Nam đã giải quyết xong bài toán "số lượng dân số". Trong khi đó, chất lượng dân số tăng lên nhưng chưa cao. Song Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình, có sự phát triển mạnh mẽ của y học, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ… có thể giúp gia đình "sinh con không bệnh, tật bẩm sinh; nuôi con khỏe, dạy con tốt". Rõ ràng, Việt Nam, đã có điều kiện cần và đủ để giải quyết vấn đề chất lượng dân số. Vì vậy, từ khi bước sang thế kỷ 21, tiêu điểm của chính sách dân số của Đảng Cộng sản Việt Nam là nâng cao chất lượng dân số. Do đó, thực hiện chính sách này, đương nhiên là trách nhiệm của cả hệ thống Đảng, chính quyền, đoàn thể…
Nâng cao chất lượng dân số lại là trách nhiệm của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Cụ thể, mỗi cá nhân: Ăn uống đủ chất, lối sống lành mạnh, thường xuyên thể dục… Gia đình: Bố mẹ không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết, sinh ít con, thực hiện tầm soát trước sinh và sơ sinh… để con cái có khả năng không bị bệnh, tật bẩm sinh… Xã hội: Cung cấp thực phẩm sạch, dịch vụ y tế tốt, giữ gìn môi trường trong lành,…
Thứ hai, nâng cao chất lượng dân số phải làm từ rất sớm, thậm chí trước cả giai đoạn đầu đời và liên tục cho tới giai đoạn cao tuổi. Cần đa dạng hóa các giải pháp để thích hợp với từng giai đoạn trong chu trình sống của con người.
Nâng cao chất lượng dân số đòi hỏi một hệ thống các giải pháp thích hợp và liên tục như: Tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết; khuyến khích, trợ giúp, bắt buộc để tiến tới 100% những người kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; khuyến khích, trợ giúp, bắt buộc để tiến tới 100% thai nhi được tầm soát trước sinh và 100% trẻ em mới sinh được tầm soát bệnh tật sau sinh, trước hết là những người "có nguy cơ cao" về sinh sản, những người nghèo, cận nghèo; khuyến khích vận động phụ nữ không sinh sớm (dưới 19 tuổi) và không sinh muộn (trên 40 tuổi).
Duy trì vững chắc mô hình "Mỗi gia đình có 2 con", tiếp tục đẩy mạnh KHHGĐ ở các tỉnh mức sinh còn cao (thường là các tỉnh miền núi). Đẩy mạnh phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Ngành Y tế tập trung phát triển khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dân số đầu đời, đặc biệt là khoa học - công nghệ tầm soát trước sinh và sau sinh.
Song song với đó, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, phát triển đào tạo nghề, xây dựng Đại học tinh hoa. Do mức sinh giảm, thấp, Việt Nam không còn nhu cầu mở rộng quy mô giáo dục phổ thông và đã có cơ hội để chuyển mạnh sang nâng cao chất lượng. Mặt khác, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp. Vì vậy, Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ các trường công và tư mở rộng đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng lao động. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng Đại học tinh hoa vào được danh sách 100 trường đại học tốt nhất thế giới. Các nước phát triển, các nước có kinh tế phát triển nhanh ở châu Á đều có trường đại học nằm trong danh sách này như: Trung Quốc có 5 trường, Hàn Quốc có 2; Singapore có 2. Việt Nam hiện chưa có trường đại học nào lọt vào danh sách này.
Sẽ khó phát triển, nếu không có những trường Đại học tinh hoa, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đồng thời làm đầu tàu dẫn dắt các đại học khác. Vì vậy, cần dồn sức xây dựng để sớm có ít nhất 1 trường đại học tinh hoa, thuộc nhóm 100 trường đại học tốt nhất thế giới. Cần đổi mới chính sách phát hiện, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và đào tạo liên tục nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cần thực hiện già hóa khỏe mạnh. Số lượng và tỷ lệ người cao tuổi nước ta tăng nhanh. Nâng cao chất lượng dân số người cao tuổi sẽ góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng dân số nói chung. Điều này có thể thực hiện thông qua "Già hóa khỏe mạnh". Đó là quá trình phát triển và duy trì khả năng hoạt động cho phép mang lại hạnh phúc tuổi già. "Già hóa khỏe mạnh" không chỉ là việc của người cao tuổi mà còn là trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp và Nhà nước.
Thứ ba, đầu tư nâng cao chất lượng dân số không chỉ là đầu tư mang lại hiệu quả rất cao cho sự phát triển bền vững mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhà nước cần chú trọng, ưu tiên ngân sách cho việc nâng cao chất lượng dân số, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ viện trợ của quốc tế.
Như đã biết, ở nước ta, tỷ lệ bệnh, tật bẩm sinh của thai nhi khá cao, tới 7,8%. Với 100 triệu dân và mức sinh như hiện nay, mỗi năm khoảng 1,6 triệu ca sinh. Nếu không tầm soát sẽ có khoảng 124.800 trẻ bị bệnh, tật bẩm sinh. Nếu tích lũy 50 năm, sẽ có khoảng 6.244 triệu người bệnh, tật bẩm sinh. Đây là nỗi bất hạnh của cá nhân và gia đình. Tình trạng này ảnh hưởng tới Chương trình xóa đói, giảm nghèo. Ở tầm dài hạn, tác động mạnh đến lực lượng lao động, năng suất lao động. Tầm soát trước và sau sinh có thể ngăn chặn, hạn chế được những hậu quả nặng nề này.
Mặt khác, nếu chất lượng dân số cao thì người cao tuổi không còn là "gánh nặng phụ thuộc". Họ vẫn có khả năng sản xuất, kinh doanh… đến một độ tuổi nào đó, 65-70 chẳng hạn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chất lượng dân số cao không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn mang lại giá trị nhân văn, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình và xã hội. Chính vì vậy, đầu tư cho nâng cao chất lượng dân số là đầu tư hiệu quả rất cao cho sự phát triển bền vững.
Những giải pháp nâng cao chất lượng dân số như: Tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát thai nhi trước sinh và tầm soát bệnh tật sau sinh, KHHGĐ… là những hành vi chưa từng có trong lịch sử. Thực hiện được những hành vi này là cuộc cách mạng sinh sản, vô cùng khó khăn. Do đó, Nhà nước cần có đầu tư để khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện. Khi đã vào nền nếp, Nhà nước có thể thu phí dịch vụ như các dịch vụ thông thường khác. Mặt khác, phải huy động sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ viện trợ của quốc tế, vì chi phí để chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo hàng trăm triệu dân là khoản kinh phí khổng lồ mà ngân sách của bất kỳ quốc gia nào cũng không có đủ.
Cuối cùng, chất lượng dân số phải là hướng nghiên cứu khoa học trọng điểm của quốc gia. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về chất lượng dân số trên tất cả các bình diện: Kỹ thuật và công nghệ; luật pháp và chính sách; kinh tế và xã hội; tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông gắn liền với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, mở rộng hợp tác quốc tế về lĩnh vực này.
GS.TS Nguyễn Đình Cử
Nguồn: giadinh.net.vn