26/03/2014 12:00
Trạm Y tế xã Hòa Phong, huyện Krông Bông hiện có 7 cán bộ y tế đảm nhiệm khám chữa bệnh cho 11 thôn, buôn với hơn 8.380 nhân khẩu, trong đó có hơn 50% người dân tộc thiểu số. Từ năm 2008 đến nay, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ
Trạm Y tế xã Hòa Phong, huyện Krông Bông hiện có 7 cán bộ y tế đảm nhiệm khám chữa bệnh cho 11 thôn, buôn với hơn 8.380 nhân khẩu, trong đó có hơn 50% người dân tộc thiểu số. Từ năm 2008 đến nay, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn bởi Hòa Phong là một trong những xã có tỷ lệ sinh cao nhất trong huyện, nhưng Trạm Y tế lại chưa có nhà bếp, nhà vệ sinh dành cho bệnh nhân, do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Trạm là điều không thể tránh khỏi và tồn tại khá lâu.
Được biết, Trạm đã được nâng cấp xây dựng tường rào, sân bãi từ nguồn kinh phí của Dự án “Xây dựng cơ sở vật chất Trạm Y tế để nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của tỉnh Đắk Lắk” do tổ chức Atlantic Philanthropies Việt Nam tài trợ từ năm 2012, nhưng hiện nay phòng làm việc đã cũ và một số trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh đã xuống cấp trầm trọng, không thể đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Ông Nguyễn Hữu Tài- Trạm phó Trạm Y tế xã Hòa Phong cho biết: “ Không có nhà vệ sinh cho người bệnh nên phần lớn bệnh nhân đều điều trị ngoại trú hoặc chỉ ở lại Trạm trong ngày, một số trường hợp như phụ nữ sinh con tại trạm cần phải lưu trú ít nhất 24 giờ sau sinh thì việc sử dụng nhà vệ sinh chung với cán bộ y tế rất bất tiện.”
Là xã có địa bàn rộng, địa hình đồi núi, đường sá giao thông đi lại khó khăn, một số thôn cách xa trung tâm xã gần 20 kilômét, trong khi đó, người dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở những thôn cách xa trung tâm xã, cộng với nhận thức về chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, kinh tế khó khăn nên khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế để điều trị. Do vậy, việc điều trị ngoại trú không chỉ nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh mà còn khiến cho người nhà bệnh nhân phải đi lại khó khăn, tốn nhiều công sức.
Chị Hoàng Thị Đơ, thôn NohPrông, xã Hòa Phong chia sẻ: “Tôi là người nhà đi chăm sóc bà bị đau bụng, sau khi được các y bác sỹ tại Trạm khám, cho uống thuốc và truyền nước, sức khỏe của bà tôi đã ổn định nhưng chưa tự thực hiện vệ sinh cá nhân, tôi muốn được điều trị ở Trạm đến khi khỏi bệnh mới về vì nhà tôi ở xa, nhưng ở đây không có khu vực để nấu ăn, lại không có nhà vệ sinh cho bệnh nhân.”
Để công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Hòa Phong, huyện Krông Bông nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng đạt được những kết quả cao hơn, nên chăng cần xã hội hóa Y tế hay kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để huy động và tập trung các nguồn lực cùng chung tay chăm sóc sức khỏe nhân nhân, trong đó, xây dựng nhà bếp, nhà vệ sinh tại Trạm Y tế là vô cùng cấp bách, là nhu cầu tất yếu để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thuận tiện trong việc khám và chữa bệnh nội trú.
Hương Xuân
(Trung tâm TT-GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác