06/07/2022 09:46
Từ cuối năm 2021 đến nay, khi nhiều loại hình dịch vụ, trong đó có các dịch vụ liên quan đến cưới hỏi được hoạt động trở lại sau thời gian bị gián đoạn vì đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhu cầu về nhà hàng tiệc cưới, chụp ảnh cưới, trang điểm cô dâu, chú rể, trang trí xe hoa… tăng cao trong tình hình mới. Vào dịp này dịch vụ nấu ăn lưu động lại được nhiều người dân Đắk Lắk lựa chọn khi tổ chức tiệc cưới tại nhà do thuận tiện và tiết kiệm được nhiều thời gian. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này đang gây nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa.
Tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 05 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến dịch vụ tiệc cưới lưu động làm 455 người mắc và 376 người nhập viện cấp cứu, điều trị. Sau khi sự việc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đột xuất các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động cung cấp tiệc cưới trên và phát hiện nhiều cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đợt giám sát ATTP tháng 10/2017, qua giám sát tại 96 cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động, Chi cục tỉnh Đắk Lắk phát hiện có 93 cơ sở chưa đảm bảo các điệu kiện ATTP như chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chưa thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm theo quy định.
Người dân nhập viện điều trị sau khi ăn đám cưới tại huyện Krông Búk (ảnh: Dân trí, năm 2019)
Do đặc thù của dịch vụ nấu ăn lưu động là không có địa điểm cố định, các cơ sở này thường sơ chế nguyên liệu trước khi vận chuyển đến nơi tổ chức đám tiệc, trong quá trình vận chuyển thực phẩm rất dễ bị nhiễm bẩn do thực phẩm sống chín để lẫn lộn, dụng cụ bảo quản không đảm bảo vệ sinh và không được che đậy kín. Ngoài ra, dịch vụ nấu ăn lưu động phục vụ nhiều người ăn cùng một lúc nên rất khó tránh khỏi nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tập thể.
Để hạn chế Ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo cơ sở cung cấp dịch vụ thực hiện “10 Nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn” và “Năm chìa khóa để có thực phẩm an toàn” do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm không chỉ lựa chọn các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động chất lượng (cơ sở dịch nấu ăn lưu động cần có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP do cấp có thẩm quyền cấp theo quy định; có hợp đồng ràng buộc giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp), có uy tín, mà còn tích cực giám sát, phát hiện và tố giác những trường hợp vi phạm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đảm bảo quyền lợi, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.
Phòng Nghiệp vụ - Chi cục ATVSTP tỉnh Đắk Lắk
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác