10/01/2017 12:00
Thái độ ứng xử rất quan trọng ở bất cứ nơi đâu,trong bệnh viện càng…cũng vậy. Trong bệnh viện,thái độ ứng xử được xếp hàng đầu cho sự thành công, đạt hài lòng người bệnh, nó đi trước luôn phần kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ một bước. Nhiều người sẽ không đồng ý chăng, xin từ từ suy nghĩ.
Trước tôi cũng cho là Chuyên môn đứng đầu,giao tiếp là hỗ trợ,không có chuyên môn giỏi,có giao tiếp ngọt ngào cũng vô dụng. Đương nhiên rồi, làm gì thì chuyên môn phải giỏi mới làm tốt việc ,nhưng ứng xử quá tệ thì tai hại cũng khôn lường.
Mới cuối chiều hôm qua đây thôi,nghe ồn ào,ồn ào phía ngoài,thì ra,người nhà bệnh nhân đòi gặp Giám đốc.
Và lại nghe chửi, “bệnh viện thất đức, bác sĩ không tình người,…v.v..và v..v..”
Câu chuyện là thế này:
Bệnh nhân nhập viện tối thứ Sáu, “nhồi máu cơ tim ST chênh lên, hẹp 3 nhánh động mạch vành nặng” .Đây là trường hợp phải can thiệp cấp cứu,không trì hoãn được.Gia đình được giải thích và mong muốn được điều trị.Vì là cuối tuần,ban đêm,người nhà xin điều trị trước, sang hôm sau sẽ đóng tiền,bác sĩ trực xin ý kiến Giám đốc BV,GĐ đồng ý. Ê-kíp thông tim thực hiện thành công,bệnh nhân được nong và đặt thành công 03 stents có phủ thuốc sau đó được săn sóc tiếp tại phòng ICU .
Chiều muộn thứ Bảy,thấy người bệnh khoẻ,người nhà xin cho NB ra trại,bác sĩ giải thích thế nào đó,điều dưỡng thì nhắc gia đình đóng tiền,thế là người nhà kết luận “ Vì chưa đóng tiền nên không cho chuyển trại,bệnh viện thiếu tình người,bác sĩ độc ác…” Chửi tưng bừng, từ Phòng ICU ( BS Trưởng trực …núp luôn),hôm sau được chuyển trại,chửi tiếp ở trại,hôm nay vẫn chưa hết ức,phải chửi tới Giám Đốc…mới hả dạ!
Xong,…lâu lâu phải bị chửi,mới là bệnh viện VN,huhu hichic…
BS Trưởng Khoa ICU trình bày với GĐ “ trường hợp này mình ko có lỗi gì hết cô ơi, họ không đóng đồng bạc nào,mình đã cứu bệnh nhân,làm tốn hơn cả trăm triệu,họ không mang ơn mình còn quay lại chửi mình nữa!”
Phía nào cũng có cái lý của mình cả.
BS Kh rất giỏi,ê-kíp thông tim chuyên nghiệp,ca này khó,làm thành công, mừng thật mừng!
Tâm lý gia đình bệnh nhân “ bệnh tiếc thân,lành tiếc của!”,gặp hoài!
Lúc tính mạng bị đe doạ, gì cũng được!
Qua cơn rồi, thất bại thì kiếm chuyện đã đành, thành công có người cũng kiếm chuyện, vì thấy phải trả tiền nhiều quá!
Vậy bệnh viện phải làm sao? Câu trả lời là “Phải hiểu và ứng xử cho phù hợp”. Còn nếu mình làm tốt rồi,vẫn bị chửi,cũng hiểu, chấp nhận,con người ta là vậy,đừng buồn nhiều.
Giải thích rõ ràng trước khi thực hiện việc điều trị,có nhiều thân nhân nghe càng tốt.
Thực hiện đúng qui trình chuyên môn,hạn chế tối thiểu sự sai sót.
Trao đổi với bệnh nhân,với người nhà chân tình, rõ ràng, đầy đủ.
Vấn đề tiền bạc, phải phân minh, chi phí như vậy là tại sao, trong đó 03 cái stents phủ thuốc là bao nhiêu, bệnh viện tính đúng giá như thế nào,phần nào là chi phí bệnh viện để trang trải lương bác sĩ, nhà cửa,máy móc,v.v..và v.v..
Làm xong chần chừ không đóng tiền thì giải thích thế nào, vì bệnh gấp rút nên bệnh viện làm trước,có giải thích rõ ràng,có anh hai chị ba…nghe và đồng ý, giờ người nhà nộp tiền để bệnh viện còn trang trải chi phí,mua thuốc,stents trị cho bệnh nhân sau,…ai cũng chần chờ,bệnh viện sẽ khó khăn,làm sao điều trị cho BN khác được,…
Thiếu gì cách để khơi gợi trách nhiệm của người bệnh và gia đình.
Phần giải thích trước phẫu thuật,trước thủ thuật cũng rất quan trọng,thường lúc đó người nhà và NB nôn nóng được cứu mạng, nghe qua loa thôi, cái gì cũng..được được hết. BV cũng bị rồi, gia đình đăng báo thẳng luôn “Mặc cả với bệnh nhân ngay trên bàn mổ!” thật là suy nghĩ,phát ngôn… khủng khiếp! Bệnh viện cũng được Sở Y Tế hỏi, các báo hỏi,…nhưng, nếu mình làm đúng, giải trình rõ ràng là xong chuyện thôi.
Câu chuyện này văn hoá giao tiếp dở chỗ nào?
Lúc người nhà xin chuyển BN ra trại? BS giải thích rõ ràng chưa? Tại sao phải nằm lại ICU thêm,và nằm tới chừng nào?
Có ai đó trong Khoa còn hỏi “ gia đình đóng tiền chưa?” hay tệ hơn nữa “bệnh viện qui định, phải đóng tiền xong mới chuyển trại,hoặc cho về!” Đành rằng Qui định là như vậy, nhưng truyền đạt thế nào cho khéo và theo từng ca cụ thể, trường hợp quá khó khăn cũng có ngoại lệ chứ!
Thế mới là văn hoá ứng xử,tại sao có Khoa, có bác sĩ,y tá hay bị bệnh nhân bắt lỗi,có nơi thì vô cùng hiếm bị phàn nàn.Khác nhau là ở cách nói là như vậy đó.
Tới đây,chắc nhiều người vẫn chưa bị thuyết phục về sự đứng đầu của thái độ giao tiếp,phải là chuyên môn đứng đầu chứ nhỉ?
Tôi nhớ lại một câu chuyện của chính mình,gần 50 năm rồi,nhiều chi tiết không nhớ,nhưng về cái “chuyên môn” hay “giao tiếp” này có thể bàn luận được.
Hồi còn nhỏ,tôi biết ở quê tôi có Ông bác sĩ tên S, ông học Tây học, ai cũng khen ông giỏi nhứt, hồi đó tôi nghĩ đương nhiên luôn,bây giờ tôi nghĩ chưa chắc, ngoài ra còn một ông y sĩ (hình như Y sĩ quân đội về) hay gọi Ông Ba H, hai ông đều mở phòng mạch,ông nào cũng đông bệnh nhân hết.
Ông BS S thì nỗi tiếng giỏi và nỗi tiếng vì chửi bệnh nhân, ai cũng sợ, nhưng ai cũng chấp nhận, ông không cho BN hỏi, không cho nói nhiều, chỉ được trả lời “có’ hoặc “không”. Và theo tôi biết,bác sĩ thời đó đại đa số ai cũng vậy!
Ông y sĩ 3 H hình như hơi khác.
Sau đây là câu chuyện Ông Y sĩ 3 H cứu mạng một con nhỏ mười mấy tuổi là tôi như thế nào.
Lúc đó tôi chắc hơn 10 tuổi,bị bệnh sốt gì đó,không phải tiêu chảy,nóng lắm,khát nước lắm.
Má tôi cho đi BS S,uống thuốc mấy ngày,con nhỏ tôi lúc đó kiệt quệ lắm,nằm trên bộ ván ở nhà ngang,nghe dưới bếp Má nấu cháo,tiếng khua múc nước,con nhỏ khao khát được một hớp nước,nhưng không,không được…nói cho công bằng,giờ tôi cũng ko biết ai là tác giả của cái vụ “cấm uống nước” đó nữa,nhưng mà,giờ nghĩ tiếp,nếu Ông BS S có dặn dò,hay cho Má tôi hỏi,thì chắc tôi đâu có bị “cấm uống nước”
Đâu cũng 2-3 ngày gì đó,Má tôi quyết định “đổi bác sĩ”,tôi nhớ lúc đó tôi còn lờ mờ biết Chị Ba Tr. con Bác tôi cõng tôi,tôi còn biết hơi mắc cỡ vì chân dài lòng thòng mà để cõng,do đó,đoán là mình hơn 10 tuổi.Nhưng mà mệt lắm,rũ rượi lắm,như sắp chết tới nơi.
Tới Phòng mạch ông 3 H.,tôi được nằm dài,Ông khám sao đó,nhưng tôi chỉ để ý Má tôi hỏi “ BS ơi,nó đòi uống nước dữ quá!”, Ông 3 H nói “cho nó uống” và kêu y tá đem nước cho tôi liền.Trời ơi,bây giờ tôi vẫn còn cảm nhận được con người tôi lúc đó đúng như cái cây bị héo rũ mà nó bung dựng đứng trở lên đó mọi người ơi.
Tôi được cõng về nhà,uống nước từ từ,uống thuốc gì đó,rồi…hết bệnh như không.Má tôi kể,ổng la quá trời“ ai cấm uống nước?”
Lúc đó,tôi có cảm giác “chết đi sống lại” và tôi vô cùng mang ơn Ông bác sĩ “cho tôi uống nước” Học y rồi càng khẳng định,may mà mạng lớn,nếu không lúc đó,chết queo mất tiêu,giờ còn ai ngồi đây…nhiều chuyện.Với lại,may là chắc bệnh sốt siêu vi gì đó,chứ nếu tiêu chảy,mất nước, trị kiểu đó,rối loạn điện giải cũng chết tiêu,làm gì “cây bung dựng đứng” chỉ với nước lã.
Câu chuyện thật của đời tôi đó, mọi người nghĩ xem,thầy thuốc giỏi mà thái độ thấy ớn,giết người được không? Còn ứng xử tốt thì đương nhiên phải có chuyên môn giỏi nữa mới được.
Cho nên, người ta đã tổng kết thứ tự ưu tiên cho thành công trong bệnh viện là thế này:
1. Giao tiếp ứng xử
2. Kỹ năng nghiệp vụ.
3. Qui trình Khám chữa bệnh
4. Cơ sở vật chất-Trang thiết bị
5. Vệ sinh mội trường
6. Thông tin Giáo dục sức khoẻ
7. Giá.
Đó là một Tổng kết, mọi người sẽ có suy nghĩ riêng của mình.
Chúc tất cả các bạn đều thành công,sống hữu ích-hạnh phúc.
BS Phạm Thị Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác