10/01/2017 12:00
Bộ Y tế cho biết, trong quý 1 và quý 2-2017, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện mức giá dịch vụ y tế có tiền lương đối với người có thẻ bảo hiểm y tế tại 27 tỉnh, thành phố. Đây là đợt điều chỉnh cuối cùng trong lộ trình đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế.
Tất cả người dân nên tham gia bảo hiểm y tế
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong năm 2017, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư quy định mức giá tối đa, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương vào giá dịch vụ y tế đối với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (hiện giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ mới chỉ tính 4/7 yếu tố). Tiến trình này để bảo đảm bình đẳng, cùng một mức giá giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ; chỉ khác về chi trả.
Người có thẻ bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm y tế chi trả (trừ phần đồng chi trả của một số nhóm và một số dịch vụ, thuốc, vật tư không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ). Người không có thẻ phải tự trả tiền. Khi đó người dân sẽ thấy lợi ích của bảo hiểm y tế để tham gia.
Bộ Y tế khuyến khích người dân tham gia BHYT. Ảnh minh họa
Người không có thẻ bảo hiểm y tế hiện nay vẫn chi trả theo bảng giá ban hành từ năm 2006 và 2012, chưa tính đủ chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương nên thấp hơn mức giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo Nghị định 16 thì đến năm 2016 phải thực hiện mức giá tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương. Vì thế, lộ trình thực hiện mức giá cho người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đang chậm hơn thời gian quy định của Chính phủ. Mục đích của việc điều chỉnh này là nhằm tiến tới bảo hiểm toàn dân.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho biết, liên Bộ cũng hoàn thiện để ban hành thông tư quy định khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí để áp dụng cho những người khám, chữa bệnh theo yêu cầu…
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ khuyến khích các bệnh viện phát triển kỹ thuật y tế, đồng thời người dân được thụ hưởng các dịch vụ này và được BHXH thanh toán, tăng quyền lợi của người có BHYT. Trong những tháng đầu năm 2017, những người chưa tham gia BHYT có thể sẽ chưa phải chịu tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB. Tuy nhiên, theo lộ trình, trong năm 2017, viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ áp dụng cho người không có BHYT.
Khoảng 1.900 dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh sẽ được điều chỉnh tăng giá
Theo Bộ Y tế, trong năm 2017, viện phí của người không có BHYT sẽ được điều chỉnh tính thêm chi phí phụ cấp ngày trực, phẫu thuật thủ thuật và tiền lương. Trong khoảng 1.900 dịch vụ, nhiều dịch vụ sẽ tăng giá gấp 2-3 lần.
Cụ thể, giá khám bệnh sau khi tính lương vào viện phí: Bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I tăng từ 20.000 đồng lên 39.000 đồng/lượt, bệnh viện hạng II từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng, bệnh viện hạng III từ 10.000 đồng lên 31.000 đồng, bệnh viện hạng IV từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng. Giá dịch vụ ngày/giường hồi sức tích cực/ghép tạng/ghép tủy… tại các bệnh viện hạng đặc biệt: từ 354.000 đồng tăng lên 677.000 đồng/người, bệnh viện hạng II: từ 350.000 lên 569.000 đồng. Giường bệnh nội khoa tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 99.000 đồng lên 215.000 đồng; giường bệnh các khoa xương khớp, da liễu, tai mũi họng, tai biến… tăng từ 89.000 đồng lên 192.000 đồng/người/ngày…
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, nhiều bệnh viện đang tồn tại 3 hình thức viện phí do BHYT chi trả, khám chữa bệnh (KCB) không có BHYT và KCB theo yêu cầu. Tại các bệnh viện tuyến trên, đa phần người dân chọn KCB không có BHYT vì không muốn xếp hàng, đợi chờ. Tuy nhiên, tới đây, khi viện phí điều chỉnh tăng đồng đều, người bệnh sẽ cân nhắc việc tham gia BHYT. Hiện nay, giá dịch vụ KCB của người không có thẻ BHYT chưa tính đủ các chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ. Vì thế, lần điều chỉnh này sẽ tính thêm tiền lương, phụ cấp; tối đa bằng mức giá của các dịch vụ do BHYT thanh toán. Việc điều chỉnh viện phí lần này nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có để khuyến khích người dân tham gia BHYT.
Trước đó, từ ngày 1-3-2016, các bệnh viện tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư đã được thực hiện mức giá gồm: chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương. Với đợt điều chỉnh lần này, những dịch vụ kỹ thuật có chi phí tiền lương cao như tiền ngày/giường; các phẫu thuật nặng xếp loại đặc biệt, loại 1... sẽ có mức tăng cao. Vì vậy, theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), viện phí sắp tới cũng chỉ tính 4/7 yếu tố.
Theo thống kê của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến thời điểm cuối tháng 12-2016, cả nước đã có hơn 75 triệu người tham gia bảo hiểm y yế, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 81,3%, vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao là 2,3% (chỉ tiêu được giao là 79%).
THÁI SƠN
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác