16/02/2017 12:00
Uốn ván sơ sinh là một bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao. Hàng năm, tỷ lệ tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk khoảng 50%. Bệnh do trực khuẩn uốn ván gây ra. Vi khuẩn xâm nhập cơ thể của trẻ qua vết cắt rốn do các dụng cụ đỡ đẻ hoặc tay người đỡ đẻ không được diệt khuẩn. Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin phòng uốn ván.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, có 01 Bé trai, sinh ngày: 02/02/2017, dân tộc Ê đê, ở tại Buôn Yang Rel, Xã Yang Rel, Huyện Krông Bông nghi uốn ván sơ sinh đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Bé trai là con đầu, sinh non (36 tuần), đẻ tại nhà, do mụ vườn đỡ đẻ và cắt rốn bằng dao lam; mẹ của bé không tiêm vắc xin uốn ván, triệu chứng bệnh xuất hiện ngày thứ 6. Hiện BVĐK tỉnh đang tích cực chăm sóc và điều trị cho trẻ.
Bệnh uốn ván do vi khuẩn clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn này sống trong các tổ chức chết (như vết thương, cuống rốn trẻ sơ sinh), phân súc vật, đất, bụi, dụng cụ nhà nông, quần áo, da, chân tay... Vi khuẩn tiết ra độc tố gây nhiễm độc hệ thần kinh điều khiển cơ vận động, gây co rút các cơ, làm cơ thể bị co cứng. Con người có thể nhiễm vi khuẩn uốn ván qua các vết thương do dụng cụ bẩn gây nên. Trẻ sơ sinh mắc uốn ván nếu cuống rốn bị nhiễm bẩn (dùng dao kéo bẩn cắt rốn, dùng tro đắp lên cuống rốn, tay của người đỡ đẻ).
Dấu hiệu của bệnh
Thời gian ủ bệnh từ 4-15 ngày, trung bình là 7 ngày, ủ bệnh càng ngắn bệnh càng nặng. Thường không có dấu hiệu báo trước.
Khi khởi phát bệnh thường thấy trẻ quấy khóc, bỏ bú, miệng chúm chím lại. Trẻ đói nhưng không bú được nên càng khóc, lúc này nếu đè lưỡi ấn xuống thì thấy phản ứng lại đó là dấu hiệu cứng hàm, bệnh sẽ nhanh chóng chuyển sang thời kỳ toàn phát (từ vài giờ đến một ngày).
Ở thời kỳ toàn phát. Bệnh thể hiện rõ ràng, cứng hàm càng rõ, xuất hiện cơn co giật và co cứng. Tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà có cơn co giật hay co cứng ngắn hay dài, mau hay thưa.Nếu co giật và co cứng kéo dài hàng phút, đứa trẻ có thể bị chết trong cơn co giật.
Rốn thường rụng sớm (100%) và nhiễm khuẩn, có thể rốn ướt, có mủ hay thối.
Nếu trẻ qua được tuần thứ hai, thứ ba thì các cơn co giật, co cứng giảm dần và trẻ bắt đầu mở mắt, khóc được. Trong thời gian này vẫn còn tăng trương lực, sau đó vài ngày trẻ có thể bú mẹ được.
Phòng ngừa như thế nào?
- Khi sản phụ sinh con phải sinh ở các cơ sở y tế và do các cán bộ y tế đỡ. Thực hiện vô khuẩn khi đỡ đẻ. Cán bộ y tế khi đỡ đẻ, chăm sóc rốn sơ sinh phải rửa tay sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hay nước sôi để nguội, sát khuẩn tay bằng cồn hay ngâm tay vào dung dịch sát trùng. Dụng cụ đỡ đẻ phải diệt khuẩn (kéo cắt rốn, chỉ buộc, băng rốn phải được hấp 1200C trong 20 phút hoặc nếu có điều kiện nên dùng gói đỡ đẻ sạch). Không băng rốn quá kín vì cuống rốn dễ giữ ẩm và lâu khô. Chú ý trong khi chăm sóc trẻ ở những tuần đầu khi trẻ chưa rụng rốn cần phải giữ gìn băng rốn sạch sẽ, băng bị ướt (do tắm, do thấm nước tiểu) phải thay ngay.
- Tiêm phòng vắc xin uốn ván khi mang thai: Phụ nữ có thai cần tới cơ sở y tế để tiêm vắc xin uốn ván. Lịch tiêm chủng vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi) theo hướng dẫn số 4095/BYT-BM-TE ngày 4/7/2016 của Bộ Y tế; cụ thể như sau
+ Mũi 1: Tiêm sớm ngay khi phát hiện có thai; hoặc tiêm cho phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ tại vùng có nguy cơ cao;
+ Mũi 2: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 01 tháng và trước khi đẻ 01 tháng;
+ Mũi 3: Tiêm cách mũi 2 ít nhất 06 tháng; hoặc khi có thai lần tiếp theo;
+ Mũi 4: Tiêm cách mũi 3 ít nhất 01 năm; hoặc khi có thai lần tiếp theo;
+ Mũi 5: Tiêm cách mũi 4 ít nhất 01 năm; hoặc khi có thai lần tiếp theo.
Đối với một số trường hợp không tuân theo đúng lịch tiêm chủng nêu trên hoặc có thai nhiều lần, việc tiêm vắc xin uốn ván được thực hiện nhưa sau:
+ Nếu khoảng thời gian giữa các liều tiêm bị chậm, vượt quá khoảng thời gian theo lịch tiêm chủng thì tiêm mũi tiếp theo mà không cần tiêm lại từ đầu;
+ Đối với trường hợp đã tiêm đủ 05 mũi vắc xin uốn ván theo đúng lịch, sẽ tạo miễn dịch bảo vệ trong thời gian từ 25-30 năm.
Hữu Huyên – Sở Y tế
Nguồn: Website sở y tế đăk lăk
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác