09/01/2017 12:00
Dãy núi đá Thần Phù (thuộc xóm 7, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nằm nép mình bên con sông Hoạt yên bình - con sông đã chứng kiến bao sự chìm nổi của vùng đất Tống Sơn xưa và là huyện Nga Sơn ngày nay. Lưng chừng một quả núi thuộc dãy Thần Phù hiện có một chữ Hán được khắc rất lớn dịch ra là chữ “Thần”. Chữ này có từ bao giờ, ai là người khắc và khắc bằng cách nào đến nay vẫn là ẩn số.
ng Mai Văn Thuần, người dân địa phương, làm trang trại ngay dưới chân núi Thần Phù, kể vợ chồng ông khai hoang mảnh đất này đã hơn 20 năm, cũng đã đưa nhiều đoàn và các nhà khoa học về đây nghiên cứu tấm bia ấy nhưng đến nay chưa nghe có thông tin gì về chữ “Thần”.
Cũng theo ông Thuần, vùng đất này cứ mưa lớn là mênh mông nước, chỉ có vùng đất ông khai hoang sát chân núi là nước không lên tới được. Ngay ở chân núi có một cái hang xuyên thẳng lên đỉnh nhưng không có ngách nào ra lối chữ “Thần” cả.
Tại sao chữ “Thần” này mấy năm gần đây mới được biết đến? Theo nhiều người dân địa phương thì khu vực đó hoang vu, nguy hiểm, nếu tới gần sẽ gặp điều không may nên hiếm ai lui tới, thành thử có thời gian dài chẳng ai nhắc đến. Kể từ ngày vợ chồng ông Thuần ra khu vực đó khai hoang chăn nuôi, trồng trọt và có thắp hương thờ cúng, dần dần nhiều người lui tới thắp hương cầu khấn, khiến câu chuyện về chữ “Thần” mới được nhiều người biết và quan tâm.
Theo sử sách ghi lại, vùng đất Nga Sơn xưa là một hoang đảo - nơi giáp cửa biển mênh mông sóng nước. Tại đây gắn liền với nhiều truyền thuyết còn đến tận ngày nay như chuyện Mai An Tiêm bị vua Hùng đày ra đảo, nơi Từ Thức lạc vào động Bích Đào gặp lại nàng tiên Giáng Hương hay khởi nghĩa Ba Đình quật cường...
Thời phong kiến, Thần Phù là một cửa biển khá nổi tiếng. Sông Hoạt là điểm cuối gắn liền với biển. Khi ấy, đây được xem là tuyến đường thủy huyết mạch từ ngoài Bắc vào vùng Ái Châu (Thanh Hóa) và vùng Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay). Điều này cũng được chứng minh rất rõ cho nhiều tác phẩm để đời của nhiều vua chúa, danh tướng, thi sĩ ngày xưa còn để lại trên các vách đá dọc các dòng sông lớn, cửa biển sầm uất.
Theo một số nhà sử học, bức phù điêu nói trên được khắc thời mà vùng đất Nga Sơn đang còn mênh mông nước, khi thủy triều lên nước sẽ dâng cao lưng chừng núi và công việc của những người tạc chữ là dong thuyền neo sát vách đá để chạm khắc. Cho đến bây giờ, lý giải này vẫn được xem là có cơ sở nhất. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rất rõ: “Núi Thạch Bi (núi chữ “Thần” - PV) ở phường Mĩ Quan, thuộc huyện Tống Sơn (nay thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn). Non liền bến nước, móng đá thuyền chui. Trên vách đá có một chữ “Thần” viết bằng nét son tươi thắm, tương truyền vua Lê Thánh Tông ngự đề chữ đó”. Tuy nhiên, có sách sử chép vào năm Tân Mão 1771, chúa Trịnh Sâm có đi qua vùng đất này, thấy cảnh đẹp đã sai người cho khắc chữ trên núi.
Ông Mai Văn Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nga Sơn, cho biết hiện huyện Nga Sơn đã giao chính quyền địa phương có biện pháp bảo vệ bia đá chữ “Thần”.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác