Toàn ngành y tế Đắk Lắk hiện có hơn 5.800 CBCNVC, trong đó số cán bộ có trình độ đại học và sau đại học chiếm 32%. Đến nay toàn tỉnh có 20 bệnh viện, trong đó có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 bệnh viện đa khoa khu vực và 14 bệnh viện đa khoa tuyến huyện-thị xã- thành phố đảm nhiệm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Có 15 Trung tâm Y tế huyện- thị xã- thành phố với 184 Trạm y tế xã, phường, 100% thôn buôn có cộng tác viên y tế; tính đến tháng 12/2016 toàn tỉnh đã có 176 Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia theo Bộ tiêu chí mới của Bộ Y tế, chiếm tỷ lệ 95,6%. Thời gian qua, hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến xã, phường không ngừng được đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp; Đội ngũ y, bác sĩ được nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tinh thần y đức; Các dịch vụ y tế kỹ thuật mới được áp dụng thành công cùng với sự đổi mới về phương thức hoạt động ở các cơ sở khám chữa bệnh đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc thực hiện các chế độ, chính sách mới về khám chữa bệnh, đặc biệt là việc thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (2016), việc đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh, quy tắc ứng xử, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người bệnh tại các cơ sở y tế đã tạo được niềm tin trong nhân dân khi đi khám chữa bệnh. Những đổi mới mạnh mẽ trong phương thức hoạt động ở các cơ sở y tế đã thực sự mang lại hài lòng cho người bệnh, đặc biệt là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến huyện tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị y tế hiện đại. Nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng thành công trong điều trị như : can thiệp tim mạch, chẩn đoán nhanh trong điều trị lao- phổi, phẫu thuật nội soi, cấp cứu sản nhi…v,v giúp chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến được nâng lên, giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên. Trong năm qua, riêng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công 84 kỹ thuật mới, bao gồm: Đặt bóng đối xung động mạch chủ; Nong đặt stent động mạch vành; Lọc máu liên tục; Thông tim; Lọc màng bụng; Nút mạch hóa chất; Sinh thiết u dưới cắt lớp vi tính; Phẫu thuật nội soi cắt nhân tuyến giáp ; Chụp cắt lớp vi tính mạch máu não; Cộng hưởng từ ruột non; Cộng hưởng từ khớp, vú; Siêu âm tim cản âm; Siêu âm tim cản âm; Pro calcitonin; Toxoplasma IgM miễn dịch tự động; Fasciola (Sán lá gan lớn) Ab miễn dịch tự động; Schistosoma (Sán máng) Ab miễn dịch tự động; Định lượng bổ thể C3, C4, ...
Các bệnh viện chuyên khoa cũng phát huy vai trò trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị chuyên khoa sâu cho bệnh nhân, như : Bệnh viện Lao và bệnh phổi, bệnh viện tâm thần, Bệnh viện y học cổ truyền, Bệnh viện Mắt…Hầu hết các bệnh viện đều củng cố quy trình khám chữa bệnh, sắp xếp bố trí các khu vực khám, khu vực chờ đợi cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân một cách thoải mái, hợp lý; Tổ chức tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh; Sắp xếp, bổ sung giường bệnh nhằm hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép; Tăng cường công tác phân luồng, cách li, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện, mở rộng chăm sóc người bệnh toàn diện. Tại các bệnh viện cũng đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện tới tất cả các khoa, phòng từ khâu đón tiếp bệnh nhân đến khâu thanh toán viện phí, quản lý hồ sơ bệnh án. Trong năm 2016, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã khám cho 3.593.825 lượt người, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó tổng số lượt bệnh nhân điều trị nội trú là 550.694 lượt người, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2015; Tỷ lệ phẫu thuật là 77.333%, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa y tế cũng được đẩy mạnh với sự phát triển của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trong thời gian qua đã tạo sự cạnh tranh lành mạnh với các cơ sở y tế công lập về chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ bệnh nhân, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập.
Có thể nói rằng, công tác khám chữa bệnh là một mảng lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, với sự phát triển ngày càng cao của xã hội, cũng như nhu cầu của người dân thì việc cải cách và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cung cấp dịch vụ y tế hiện đại là một việc làm quan trọng và cần thiết. Hy vọng rằng, trong thời gian tới ngành y tế Đắk Lắk sẽ ngày càng phát huy những thành quả đạt được để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao./.