07/03/2017 08:18
Theo nguồn tin từ Tổng cục Dân số-KHHGĐ (Bộ Y tế), Ngày Dân số thế giới (11/7) năm 2016 được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) chọn chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”.
Nhiều trẻ em gái vị thành niên ở Đắk Lắk đã lấy chồng và sinh con.
UNFPA đánh giá rằng, trẻ em gái vị thành niên trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa. Ở nhiều quốc gia, một em gái khi đến tuổi dậy thì đã được gia đình và cộng đồng cho là đã sẵn sàng để kết hôn, mang thai và sinh con. Em có thể bị ép phải kết hôn sớm và bỏ học, ảnh hưởng tới sức khỏe do phải sinh đẻ khi cơ thể chưa sẵn sàng. Em cũng có thể không được hưởng các quyền con người.
Các em gái không được đi học, sức khỏe không tốt và gần như không kiểm soát được cơ thể của mình, tương lai có thể bị hủy hoại, tiềm năng có thể sẽ không bao giờ được phát huy. Các thách thức và trở ngại mà một em gái vị thành niên phải đối mặt sẽ nhân lên bộn phần nếu em là người dân tộc thiểu số, sống ở nông thôn và xuất thân trong một gia đình nghèo khó…
Nhưng khi các em gái được trao quyền, có điều kiện và khả năng để tự quyết định cuộc sống của mình thì các em sẽ có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng và trở thành một tác nhân tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và quốc gia.
Các chính sách đầu tư giáo dục, y tế hỗ trợ cho trẻ em gái vị thành niên và các điều kiện kinh tế giúp tạo công ăn việc làm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nước có nhóm dân số trẻ đông đảo và đang ngày càng gia tăng. Các nước này cần xác định được lợi thế của thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” chính là tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” chính là cú hích tăng trưởng kinh tế, diễn ra khi số người trong độ tuổi lao động nhiều hơn số người chưa đến hoặc đã qua tuổi lao động. Việc có tận dụng được tối đa lợi thế này phụ thuộc vào năng lực, học vấn và nghề nghiệp của người lao động cùng với việc tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn cho các nguồn lực sản xuất.
Trẻ em gái vị thành niên cần phải được tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khỏe mạnh. Các em cũng cần phải có cơ hội để có thể có được tương lai tươi sáng. UNFPA cam kết thúc đẩy, bảo vệ các quyền này và hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên để các em có thể tự đưa quyết định cho cuộc sống của mình.
Các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò trong việc đảm bảo quyền con người là phổ quát và tất cả mọi người đều được hưởng, trong đó có trẻ em gái vị thành niên – đối tượng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền của các em như học tập, chăm sóc sức khỏe và không bị bạo hành. Cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm thanh thiếu niên, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức tôn giáo và chính trẻ em gái cũng cần có vai trò thiết yếu trong việc định hình các chính sách có tác động tới cuộc sống của các em và đảm bảo rằng các chính sách này thực sự đem lại những chuyển biến tích cực.
Sự thành công của các chương trình nghị sự phát triển bền vững phụ thuộc vào việc chúng ta hỗ trợ và đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên hiệu quả đến mức nào.
Chương trình nghị sự phát triển bền vững vào năm 2030 là cơ hội có một không hai để trẻ em gái vị thành niên được hưởng các quyền của mình, được hiện thực hóa mong ước của các em và thay đổi thế giới của chúng ta. Khi các nước đầu tư cho y tế và giáo dục dành cho thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên, tạo cơ hội cho các em phát huy được trọn vẹn năng lực bản thân, thì chúng ta sẽ có điều kiện tốt hơn để tận dụng lợi thế “cơ cấu dân số vàng” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo.
“Chương trình nghị sự phát triển mới kêu gọi chúng ta không được phép để cho bất kỳ ai bị tụt lại phía sau. Để có thể tiếp cận được các nhóm dân số đang bị bỏ lại phía sau, các nhà lãnh đạo và cộng đồng phải tập trung bảo vệ quyền của trẻ em gái vị thành niên thiệt thòi nhất, đặc biệt là trẻ em nghèo, thất học, bị bóc lột hoặc bị áp đặt bởi những hủ tục trong đó có nạn tảo hôn. Trẻ em gái chịu thiệt thòi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhìn từ góc độ sức khỏe sinh sản. Các em rất có thể buộc phải làm mẹ trong khi bản thân vẫn còn là trẻ em. Các em có quyền được hiểu, kiểm soát cơ thể mình và quyết định cuộc sống của chính mình” – Trích bài phát biểu của Tiến sỹ Babatunde Osotimehin, Giám đốc điều hành UNFPA./.
Theo UNFPA, số trẻ em gái vào thời điểm năm 2015 đã kết hôn trước 18 tuổi phân theo khu vực: |
Châu Á – Thái Bình Dương: | 59 triệu em |
Đông Á và Nam Á: | 8 triệu |
Tây Phi và Trung Phi: | 8 triệu |
Các quốc gia Ả rập: | 3 triệu |
Đông Âu và Trung Á: | 1 triệu |
Số trẻ em gái tại các nước đang phát triển tuổi từ 15 đến 17 đã từng sinh con | 20.000 |
Ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15 đến 19 | 3,2 triệu |
Tỷ lệ trẻ em gái cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước 15 tuổi | 10% |
Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi | Tự tử |
Nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi | Biến chứng thai sản |
Võ Thảo
(Nguồn tin: Tổng cục Dân số-KHHGĐ)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác