07/03/2017 09:56
Sáng 10/7, Bộ Y tế, Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã tổ chức Họp báo Hưởng ứng ngày Dân số thế giới 11/7.
Tới dự và chủ trì buổi họp báo có PGS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, TS Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHĐ (Bộ Y tế), ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, ông Arthur Erken – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA); đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
|
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận, chất lượng dân số ngày càng nâng cao, tuổi thọ bình quân được kéo dài từ 73-75 tuổi, cơ cấu dân số ở giai đoạn cơ cấu dân số “vàng; tốc độ gia tăng dân số được khống chế, giữ ổn định.
Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối diện với những vấn đề bất cập đó là các vấn đề về sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) đặc biệt là ở tuổi vị thành niên, thanh niên (VTN/TN).
Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề chất lượng dân số, SKSS/SKTD cho những cặp vợ chồng ở tuổi sinh sản, nhưng với những người chưa lập gia đình dù đã có những thành tích đáng ghi nhận nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của chúng ta. Theo thống kê, tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi VTN (10-19 tuổi) chiếm khoảng 20%.
Chính vì thế Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay có chủ đề "Mang thai ở tuổi vị thành niên". Đó là vấn đề quan trọng, Việt Nam cần có những bước đi, cách làm, chiến lược truyền thông, hành động cụ thể, để làm sao tỷ lệ mang thai ở tuổi này ngày một giảm đi. Trên thực tế, không chỉ có những trường hợp mang thai ở tuổi 17-18, mà một số nơi, có những em bé gái chỉ mới 12-13 tuổi đã mang thai, để lại những hậu quả lớn không chỉ về thể chất mà còn tình thần.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại buổi họp báoẢnh: C.Cường |
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh đến những tai biến có thể xảy đến trong quá trình thai nghén ở tuổi VTN/TN như sản giật, tiền sản giật, chảy máu đe dọa tính mạng người mẹ. “Đối với những người mang thai tuổi 18-19 nguy cơ thai nghén cao, dễ bị các tai biến thai nghén” – PGS.TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Để từng bước khắc phục tình hình quốc tế về dân số - phát triển và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên, Bộ Y tế và đang chú ý tiếp cận nhiều hơn đến nhóm VTN/TN thông qua việc chủ trì và phối hợp tổ chức và phối hợp tổ chức triển khai các mô hình cung cấp kiến thức, kỹ năng và dịch vụ về DS- KHHGĐ/SKSS cho VTN/TN như Mô hình “Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân”, phối hợp các bộ, ban, ngành triển khai chương trình giáo dục DS-SKSS, giới và bình đẳng giới trong nhà trường…
“Tổng cục DS-KHHGĐ với vai trò là chủ đạo trong lĩnh vực này sẽ đề ra những chương trình hành động, mô hình truyền thông, vận động để làm sao bảo vệ được giống nòi người Việt, tạo điều kiện phát triển cho dân tộc Việt Nam cường tráng, hùng mạnh” – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ.
Ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) phát biểu: Mang thai ở tuổi vị thành niên có nguyên nhân sâu xa từ nghèo đói, bất bình đẳng giới, bạo lực, kết hôn sớm, sự không công bằng về quyền lực giữa trẻ em gái và bạn trai của họ, do các em không được đi học. Vấn đề này cũng thể hiện công tác bảo vệ quyền cho trẻ em gái VTN chưa được thực hiện tốt.
Ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: C.Cường |
Mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 16 triệu em gái tuổi từ 15-19 sinh con. Cứ 10 em trong số này thì có 9 em đã kết hôn – đây chính là thực tế dẫn tới thực trạng sinh con trong độ tuổi vị thành niên.
Số liệu của Bộ Y tế và các điều tra dân số khác cho thấy VIệt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong việc đạt các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, và đã thành công trong việc hoàn thành hầu hết các mục tiêu này bao gồm cả tiến bộ trong công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Một phần ba thanh niên Việt Nam vẫn gặp nhiều cản trở trong việc tiếp cận các thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS.
Việt Nam phải đầu tư vào trẻ em gái vị thành niên vì những lợi ích tốt đẹp nhất của các em. Các em gái được học tập và có sức khỏe tốt sẽ có cơ hội phát triển hết tiềm năng và được đáp ứng nhu cầu của mình. Các em sẽ kết hôn muộn hơn, trì hoãn thời gian sinh con, sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh hơn, và có thu nhập cao hơn. Các em có thể giúp chính mình và gia đình của mình trong tương lai thoát khỏi nghèo đói. Các em sẽ là những tác nhân tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng và các thế hệ trong tương lai.
Hơn 1/3 thanh niên Việt Nam còn chưa được tiếp cận các phương tiện tránh thai – Tăng cường tiếp cận giáo dục giới tính và các dịch vụ là yếu tố then chốt giúp phòng chống mang thai ở tuổi vị thành niên. Trên toàn thế giới, 16 triệu trẻ em gái từ 15-19 tuổi sinh con mỗi năm, các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những ngyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ cho các em gái vị thành niên ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ở Việt Nam, số liệu quốc gia về nhu cầu chưa được đáp ứng các phương tiện tránh thai trong nhóm đối tượng từ 15-19 tuổi chiếm tới 35,4% và nhóm đối tượng từ 20-24 tuổi cũng chiếm tới 34,6%. Năm 2011, tỷ lệ có con trong nhóm dân số vị thành niên là 46/1000. Tỷ lệ này cao hơn ở các nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm dân cứ sinh sống tại các khu vực trung du và miền núi phía Bắc, và các khu vực nông thôn. |
.
Tin: Võ Thu
Ảnh: Chí Cường
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác