Cán bộ chuyên trách dân số phường 2, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ về những khó khăn trong công tác dân số. Ảnh: Hà Anh
Tham mưu kêu gọi nguồn lực ra sao cho hiệu quả?
Phát biểu tại Hội nghị, TS Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, năm 2018 rất đặc biệt khi đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21…
Bên cạnh những thuận lợi, TS Lê Cảnh Nhạc cũng nhấn mạnh về những khó khăn, thách thức mà công tác dân số nước ta đang đối mặt. Trong đó, nổi bật là vấn đề hợp nhất tổ chức bộ máy làm công tác dân số tuyến huyện theo Nghị quyết số 19-NQ/TW Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí cho hoạt động dân số cũng gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2018, kinh phí ngân sách Trung ương chi cho Dân số giảm mạnh, chỉ bằng 46,2% so với giai đoạn 2011-2015.
“Hiện có 62/63 địa phương (trừ Hưng Yên) chi cho công tác dân số gần 518 tỷ đồng, nhiều nhất là Hà Nội với mức hơn 83,5 tỷ đồng, nhưng cũng có địa phương chỉ hơn 200 triệu đồng. Điều đó cho thấy chênh lệch giữa tham mưu của cơ quan chức năng, sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo địa phương và hiệu quả của công tác dân số sở tại”, TS Lê Cảnh Nhạc cho biết. Trên cả nước, hiện cộng tác viên dân số của 18/63 tỉnh không được hỗ trợ hoạt động từ nguồn kinh phí địa phương, trong khi chế độ này từ Chương trình mục tiêu không còn. Điều này làm giảm sự nhiệt tình với công việc, không ít người đã bỏ việc.
Liên quan đến việc đầu tư từ ngân sách địa phương cho công tác dân số, chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội bên lề Hội nghị, bà Lục Thị Thắng, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Cao Bằng - một trong những tỉnh nghèo nhất nước cho biết: “Tại đây, ngoài nguồn chi thường xuyên, tỉnh có hỗ trợ khoảng 6 tỷ/năm thông qua Nghị quyết của HĐND tỉnh. Nguồn lực này tương đương với ngân sách Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, nhằm thực hiện chính sách dân số, phụ cấp cho cán bộ chuyên trách (hệ số 0,8 mức lương cơ bản), cộng tác viên (hệ số 0,1 mức lương cơ bản)”.
Bà Thắng cho biết thêm, tại Cao Bằng, 90% cộng tác viên dân số đảm nhiệm thêm công việc của nhân viên y tế thôn bản (hệ số 0,3-0,5 mức lương cơ bản) nên tạo động lực cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Nguồn ngân sách tỉnh Cao Bằng cấp cho công tác dân số còn để chi hỗ trợ thực hiện các biện pháp tránh thai (những người tham gia KHHGĐ, mạng lưới cán bộ kỹ thuật thực hiện công tác này…). “Đây là nguồn lực quý giá và hỗ trợ hoạt động hiệu quả bởi Cao Bằng là tỉnh rất nghèo, nguồn lực đầu tư còn phụ thuộc vào Trung ương”, bà Thắng nói.
Tỉnh “về nhì” trong việc kêu gọi ngân sách địa phương cho công tác dân số là Nghệ An. Ông Nguyễn Bá Tân, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh này cho biết, từ nhiều năm nay, mỗi năm Nghệ An cấp cho các hoạt động dân số khoảng 80 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019, con số này có thể lên tới 100 tỷ đồng. “Quan trọng nhất là công tác tham mưu phải bài bản, hệ thống. Khi Tỉnh uỷ đã có chủ trương, HĐND tỉnh ra Nghị quyết, UBND tỉnh ra quyết định kèm theo giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính… thì không một Sở, ban, ngành nào “chối” được. Tất nhiên, việc tham mưu thì phải mềm dẻo, cụ thể, thực tế và hiệu quả. Đây là điều đặc biệt quan trọng để các cấp uỷ, chính quyền thấy rằng có đầu tư là có hiệu quả”, ông Tân nói.
Theo người đứng đầu ngành Dân số Nghệ An, hàng năm, khi có chỉ tiêu, kế hoạch từ Trung ương phân công về, bộ máy tham mưu của ngành Dân số tỉnh sẽ lập kế hoạch chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt, giao chỉ tiêu công việc, kèm ngân sách cụ thể. Ông Tân chia sẻ: “Trong giai đoạn khó khăn này, thực hiện Nghị quyết số 21 của Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, chúng tôi tham mưu Thường vụ Tỉnh uỷ có Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 21 giai đoạn 2018-2030; Đang tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 09 về công tác dân số trong tình hình mới. Cùng đó, chúng tôi cũng tham mưu kế hoạch hoạt động thực hiện Chương trình hoạt động của Tỉnh uỷ với các hoạt động chi tiết cho từng năm, đến năm 2035, đến năm 2030. Trong các hoạt động đều ghi rõ kinh phí cần để thực hiện”.
Đề nghị thành lập Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện
Về công tác tổ chức bộ máy làm Dân số ở địa phương, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Lương Thế Khanh - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho biết, hiện một số địa phương xây dựng phương án Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng thuộc Sở Y tế. Điều này không đúng với Thông tư liên tịch số 51/2015 giữa Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Thông tư nêu rõ Sở Y tế có 2 Chi cục: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Chi cục DS-KHHGĐ. Ông Khanh cho biết, đến nay, khi chưa có văn bản thay thế thì đây là văn bản pháp lý cao nhất quy định về cơ cấu, nhiệm vụ của Sở Y tế. Việc xây dựng phương án đưa Chi cục DS-KHHGĐ về thành một phòng của Sở Y tế, theo ông Khanh đã tạo tâm lý lo lắng cho công chức, viên chức làm công tác dân số của địa phương.
Bà Lục Thị Thắng cho biết, tại Cao Bằng hiện đang phê duyệt đề án, đối với cấp tỉnh giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ. Được biết, ngành Y tế tỉnh này có tới 28 ban chỉ đạo, ban quản lý. Vừa qua thực hiện rà soát, sắp xếp lại chỉ còn 2 ban quản lý, 3 ban chỉ đạo, trong đó có giữ nguyên Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ. Điều này cho thấy lãnh đạo tỉnh, Sở, ngành đánh giá rất cao vai trò của công tác dân số. Ban chỉ đạo cũng thấy rằng công tác dân số cần một cơ quan quản lý Nhà nước tham mưu, thực hiện nhiệm vụ quan trọng này nên giữ nguyên Chi cục Dân số mà không đưa về thành một Phòng thuộc Sở.
“Khi xây dựng đề án, cần phải làm rõ được vai trò, vị trí, kết quả thành tựu đã đạt được trong công tác dân số và khó khăn thách thức giai đoạn tới nếu không có hệ thống cán bộ, bộ máy đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao”, bà Thắng chia sẻ.
Hiện một số địa phương đã và đang thực hiện hợp nhất Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện vào Trung tâm Y tế đa chức năng. "Tuy nhiên, cách thức, lộ trình thực hiện một số nội dung chưa phù hợp đã gây ra tâm lý bất an với viên chức dân số, cộng tác viên dân số. Hiện Tổng cục DS-KHHGĐ đã đề nghị Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc: Khi sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ và Trung tâm Y tế thì thành lập Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm DS-KHHGĐ; giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế thực hiện công tác dân số", ông Khanh cho biết thêm.
Đối với các huyện, hợp nhất Trung tâm DS-KHHGĐ và Trung tâm Y tế huyện thành Trung tâm Y tế đa chức năng, trong đó có thành lập phòng Dân số. “Chúng tôi bàn giao nguyên trạng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, sắp xếp vị trí theo năng lực cán bộ”, bà Thắng cho biết. Cũng theo bà Thắng, do đã làm rất kỹ công tác tư tưởng nên thực tế ở đây không nhiều biến động. Bà Thắng nói: “Đây không phải là lần đầu ngành Dân số địa phương có biến động trong tổ chức bộ máy. Quan trọng là chúng ta nhìn nhận rằng bất cứ ở đâu, vai trò nào, mỗi cán bộ cũng cần làm tốt nhiệm vụ của mình. Khi làm tốt rồi, sẽ có cơ quan đánh giá năng lực, mỗi cá nhân còn nhiều cơ hội phát triển”.
Theo báo cáo của Tổng cục DS- KHHGĐ, ước tính dân số nước ta năm 2018 là 94,7 triệu người, tỷ lệ tăng dân số là 1,07%. Hiện quy mô dân số Việt Nam xếp thứ 3 trong các nước ASEAN, thứ 8 châu Á và thứ 13 thế giới. Tỷ số giới tính khi sinh hiện ở nước ta là 112,2 bé trai/100 bé gái. Con số này ước tính năm 2018 là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái, đạt kế hoạch. Tuổi thọ trung bình hiện khoảng 73,7.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, số người mới sử dụng biện pháp tránh thai đạt xấp xỉ 45% kế hoạch năm. Ước tính có khoảng gần 30% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm. Tuy nhiên, chỉ khoảng 13,3% trẻ sơ sinh đươc sàng lọc ít nhất 2 bệnh.
Võ Thu