Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV
Trăn trở trước những chỉ tiêu chuyên mônchưa đạt
Nhấn mạnh tại Hội nghị chuyên đề công tác DS - KHHGĐ 6 tháng đầu năm 2018 khu vực phía Nam, được Tổng cục DS - KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 8/8, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ cho biết: Năm 2018 rất đặc biệt khi đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21…
Theo đó, Nghị quyết số 21 nhấn mạnh, công tác dân số trong tình hình mới tiếp tục chuyển hướng chính sách, chiến lược, từ đặt trọng tâm vào thực hiện KHHGĐ nhằm giảm mức sinh sang Dân số và Phát triển; giải quyết toàn diện các vấn dân số của đất nước cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững đất nước. Cùng đó, ngành Dân số cũng phải thực hiện việc tinh giản bộ máy. Ngoài ra, từ nhiều năm nay, ngân sách từ Trung ương cấp cho công tác dân số ngày càng hạn hẹp, trong khi nguồn viện trợ từ các dự án nước ngoài hiện đã cắt giảm tối đa… Tại địa phương, ngân sách sở tại cấp cho ngành Dân số có sự chênh lệch giữa các tỉnh, các vùng. Thậm chí có tỉnh không hỗ trợ kinh phí cho công tác đặc biệt quan trọng này.
Cũng trong năm 2018, Bộ Y tế giao 6 chỉ tiêu cơ bản và 7 chỉ tiêu chuyên môn, trong đó, 6/7 chỉ tiêu được giao cho từng tỉnh. Một số chỉ tiêu đạt và ước vượt chỉ tiêu kế hoạch năm như: Quy mô dân số 94,7 triệu người; tỷ lệ tăng dân số 1,07%; tỷ số giới tính khi sinh (hiện là 112,2 bé trai/100 bé gái, ước năm 2018 là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái, đạt kế hoạch)… Tuy nhiên, báo cáo của các địa phương cho thấy, ngành Dân số chỉ mới hoàn thành 4/6 chỉ tiêu cơ bản và 3/7 chỉ tiêu chuyên môn.
Trong đó, 6 tháng đầu năm, số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt xấp xỉ 45% kế hoạch năm (dự kiến năm 2018 không đạt); số trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh khi chỉ mới đạt 36% kế hoạch; tỷ lệ người cao tuổi có thẻ BHYT và tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 1 lần/năm, cũng không đạt kế hoạch... Theo ông Nguyễn Doãn Tú, những chỉ tiêu chưa đạt, ước không đạt "rất đáng trăn trở, suy nghĩ", cần được phân tích, nhìn nhận thẳng thắn để tìm hướng giải quyết.
Giữ nguyên tổ chức Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế
Một vấn đề nổi bật được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị là ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số tuyến cơ sở. Ông Lương Thế Khanh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục DS - KHHGĐ) thông tin, Bộ Y tế vừa có Công văn số 4480/BYT-TCDS ngày 3/8/2018 gửi UBND các tỉnh/thành phố về vấn đề này. Theo đó, tại tuyến tỉnh: Giữ nguyên tổ chức Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51 năm 2015 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh/thành, và phòng Y tế thuộc UBND huyện/quận/thị/thành, đến khi có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lại.
Tại tuyến huyện, khi sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ với Trung tâm Y tế thì thực hiện thành lập phòng Dân số thuộc TTYT trên cơ sở tổ chức tại Trung tâm DS-KHHGĐ. Giao nhiệm vụ cho TTYT thực hiện nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ để triển khai thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ, truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện; tiếp nhận nguyên trạng, bảo đảm việc vận hành, khai thác kho dữ liệu điện tử DS-KHHGĐ cấp huyện được an toàn, bảo mật.
Đối với tuyến xã, giao cho Trạm Y tế xã thực hiện nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã. Ở những nơi đã tuyển dụng viên chức dân số xã thì có thể giao cho Trạm quản lý. Nơi chưa tuyển được thì cử viên chức của Trạm hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách xã thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã.
Báo cáo của một số Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thành hiện nay cho thấy một số nơi đang xây dựng đề án chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế. “Điều này đã tạo tâm lý lo lắng, ảnh hưởng tới công việc được giao”, ông Lương Thế Khanh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) khẳng định, đến nay chưa có văn bản nào thay thế Thông tư liên tịch số 51/2015 (trong đó có nêu rõ: Sở Y tế có 2 chi cục: Chi cục DS - KHHGĐ và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm). Theo ông Tuấn Hưng, chủ trương Nghị quyết số 19 của Trung ương sẽ được thực hiện, nhưng cần có lộ trình, thể chế hoá thành các văn bản. Trong thời gian ngắn nữa, theo ý kiến của Văn phòng Chính phủ, sẽ trình dự thảo Nghị định mới, thay thế Nghị định số 24 và 37/2014 về cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó, Bộ Y tế sẽ ban hành tiêu chuẩn nhất định để thành lập đơn vị Chi cục. “Chủ trương, quan điểm của Bộ Y tế không hề có yêu cầu UBND các tỉnh/thành sáp nhập Chi cục vào thành một phòng của Sở Y tế”, ông Tuấn Hưng khẳng định.
Về Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện, hiện có 10 tỉnh có quyết định sáp nhập Trung tâm Dân số với Trung tâm Y tế thành TTYT đa chức năng. “Bộ Y tế đã có Công văn số 1619/BYT-TCCB ngày 26/3/2018 gửi UBND 63 tỉnh, thành, trong đó, đề nghị quan tâm chỉ đạo xây dựng đề án sớm kiện toàn, phê duyệt mô hình TTYT huyện đa chức năng gồm: Y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, dân số”, ông Hưng nói.
Đối với cán bộ chuyên trách dân số cấp xã, ông Hưng cho biết đang thực hiện đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 117/2014/NĐ-CP quy định về y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có chức năng, nhiệm vụ của cán bộ Trạm Y tế xã thực hiện công việc DS-KHHGĐ. “Chúng tôi cũng băn khoăn, lo ngại tình trạng cán bộ Trạm Y tế xã mải mê với nhiệm vụ y tế mà quên đi nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, thực hiện công tác dân số ở cơ sở”, ông Tuấn Hưng chia sẻ.
Cần nhìn vào mặt tích cực, cơ hội của việc sáp nhập
Tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng cục DS-KHHĐ khẳng định việc sáp nhập Trung tâm DS - KHHGĐ và Trung tâm Y tế thành TTYT đa chức năng tuyến huyện là tất yếu, nằm trong tiến trình cải cách hành chính công của cả nước, không riêng gì ngành Y tế. Tuy nhiên, cách thức, lộ trình ra sao, phải đảm bảo tinh thần bảo toàn được tài sản, nhân lực, cơ sở dữ liệu, kinh phí… “Cần nhìn vào điểm tích cực, thuận lợi, cơ hội của việc sáp nhập để khắc phục khó khăn, cùng phấn đấu triển khai thực hiện đạt các mục tiêu đề ra”, TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Thường trực Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh.
Lấy ví dụ về điều này, TS Lê Cảnh Nhạc cho biết, hiện một số chỉ tiêu khó hoàn thành kế hoạch như: Sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Để hoàn thành chỉ tiêu này, cần có sự tham gia tích cực của nhân viên y tế. Nếu cán bộ dân số đơn thương độc mã thì khó hoàn thành. Khi sáp nhập về “một nhà”, thực hiện chỉ tiêu về sàng lọc sơ sinh nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chung của cả TTYT đa chức năng, sự vào cuộc chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn. Một ví dụ khác, theo TS Lê Cảnh Nhạc, trước đây, dù mỗi tỉnh/thành có mô hình khác nhau, nhưng phần lớn cán bộ, viên chức dân số xã làm việc tại trạm y tế, chịu sự quản lý và nhận lương của Trung tâm Y tế huyện. Trung tâm Dân số trở nên “lơ lửng” trong quản lý. Nay về cùng một mối, việc quản lý, điều hành chuyên môn trở nên nhất quán.
Ông Trần Quang Hào - Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho hay, trước đây nguồn kinh phí dồi dào, giao chỉ tiêu thực hiện cho Trung tâm Dân số có những thuận lợi, nhưng khi nguồn kinh phí cắt giảm thì rất khó khăn. Đơn cử, thực hiện một ca đình sản hết khoảng hơn 2 triệu đồng. Khi sáp nhập, chỉ tiêu này trở thành nhiệm vụ toàn Trung tâm Y tế. Trung tâm Y tế sẽ tự quyết định việc thực hiện, sẽ dùng kinh phí chi thường xuyên hoặc kinh phí nguồn kinh khí khác để trả cho việc thực hiện biện pháp KHHGĐ bền vững này. Do đó, với một tỉnh cần đẩy mạnh giảm sinh như Đắk Nông, sáp nhập được đánh giá tốt hơn là để Dân số hoạt động riêng lẻ.
Ông Huỳnh Cao Hải - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác dân số tỉnh Đồng Nai cho biết, việc sáp nhập sẽ giúp huy động toàn bộ nguồn lực của hệ thống Trung tâm Y tế cho công tác DS-KHHGĐ, có sự vào cuộc của lực lượng cán bộ y tế, bác sĩ, kỹ thuật viên cho việc đáp ứng dịch vụ KHHGĐ thực hiện nhiệm vụ chung của toàn Trung tâm Y tế. “Việc Bộ Y tế ban hành Công văn số 4480 vừa qua sẽ tạo sự thống nhất trong toàn quốc, hạn chế tối đa tình trạng “trăm hoa đua nở” mỗi tỉnh một cách làm. Đồng Nai dự kiến cuối năm 2018 sẽ tiến hành sáp nhập, thực hiện theo đúng tinh thần của công văn này ở cả 3 cấp: Tỉnh - huyện - xã”, ông Hải nói.
Võ Thu