27/07/2018 12:00
Thực tế hiện nay, nhiều em trong độ tuổi Vị thành niên ở tỉnh Đắk Lắk hiểu biết khá hạn chế về kiến thức giới tính và sức khỏe tình dục. Điều đó đòi hỏi công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên cần được chú trọng không chỉ trong trường học mà cả cộng đồng.
Cán bộ dân số tư vấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên cho em Lê Ngọc Sơn.
Em Lê Ngọc Sơn ở thôn 2, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin năm nay 18 tuổi. Qua tìm hiểu được biết, trước đây Sơn cũng được tuyên truyền các kiến thức về sự thay đổi sinh lý, tâm lý của tuổi vị thành niên trong nhà trường, bản thân em cũng cố gắng tìm hiểu qua bạn bè, mạng internet...Tuy vậy, khi cán bộ dân số đề cập đến vấn đề giới tính, tình dục thì em tỏ ra rất e dè, thiếu tự tin. Nguyên nhân chính là do thiếu hiểu biết một cách đúng đắn về những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Trong khi đó, những người gần gũi với em như bố, mẹ cũng không đủ kiến thức để trang bị cho con.
Em Vũ Thị Hoa (áo đỏ) luôn chủ động tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Còn em Vũ Thị Hoa ở thôn 5, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin năm nay 14 tuổi. Nhờ được tham gia những buổi ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên do đoàn trường tổ chức nên bản thân em mạnh dạn hơn khi đề cập đề các vấn đề tình yêu, tình dục; hiểu biết về những hệ lụy của quan hệ tình dục và nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cũng như tảo hôn. Không những vậy, khi chứng kiến một số bạn bè cùng trang lứa đã phải bỏ học, lấy chồng vì lỡ mang thai...Hoa luôn tự mình tìm hiểu kiến thức ở tuổi vị thành niên để có hành trang tốt nhất trong cuộc sống; tiếp tục phấn đấu học tập để thực hiện những ước mơ, hoài bão cho tương lai tươi sáng.
Một trường hợp tảo hôn.
Ở xã Ea Hu, huyện Cư Kuin trong những năm gần đây tình trạng tảo hôn năm nào cũng có. Trong đó, nguyên nhân chính là do sự thiếu hiểu biết về tình yêu, giới tính và tình dục. Chị Trương Thị Dung – Cán bộ dân số xã Ea Hu cho biết thêm: Một số bạn trẻ yêu nhau và làm “chuyện ấy” nhưng không biết cách bảo vệ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và phải bỏ học để làm vợ, làm mẹ khi tuổi trăng chưa tròn. Trong thời gian qua, mặc dù cán bộ dân số xã đã có các buổi lồng ghép tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản nhưng các bạn vị thành niên ít quan tâm vì tâm lý ngại ngùng.
Cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên vùng sâu.
Thực tế cho thấy, không riêng gì ở xã Ea Hu mà nhiều địa phương khác ở tỉnh Đắk Lắk, trẻ vị thành niên còn thiếu hiểu biết về các kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản của bản thân. Hậu quả là nhiều trường hợp tảo hôn xảy ra, phá thai... Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Lắk, năm 2017, toàn tỉnh có 2.143 ca phá thai, trong đó có 53 trường hợp vị thành niên phá thai. Bác sỹ Nguyễn Thị Hường – Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Để nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên, tỉnh Đắk lắk cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao kỹ năng sống cho vị thành niên; thực hiện có hiệu quả công tác về giới và bình đẳng giới trong xã hội”. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của gia đình, nhà trường nhằm định hướng phong cách, lối sống và suy nghĩ tích cực để các em vị thành niên tự tin bước vào đười và có tương lai tươi sáng./.
Dương Thị Liên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác