30/09/2018 12:00
Qua 7 năm tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, giúp tỉnh ta tiến gần tới mức sinh thay thế, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Bà H'Yim K'doh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại lễ tổng kết Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản.
Ngày 14 tháng 11 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý; giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số; nâng cao chất lượng dân số; cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, sau 7 năm triển khai thực hiện Chiến lược đã khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác Dân số và Chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Mô hình mỗi cặp vợ chồng sinh 2 người con được đông đảo người dân đồng tình chấp thuận.
Tại tỉnh Đắk Lắk, qua 7 năm triển khai thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, cùng với kế hoạch, chương trình và đề án của Trung ương, các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng tự hào. Công tác Dân số-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản có sức lan tỏa sâu rộng, giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ, tầm quan trọng của Chiến lược trong tình hình mới. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm từng cấp, từng ngành về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số. Trước hết, với mục tiêu “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình Dân số-KHHGĐ”, trọng tâm là “Thực hiện gia đình ít con tiến tới ổn định quy mô dân số hợp lý”, các ban ngành, đoàn thể ở Đắk Lắk đã phối hợp thành lập nhiều mô hình như: gia đình hạnh phúc, gia đình không sinh con thứ 3...Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động và cung cấp dịch vụ chăm kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng cơ bản nhu cầu về biện pháp tránh thai hiện đại cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Đến nay, mô hình “mỗi cặp vợ chồng sinh hai con” được đông đảo Nhân dân đồng tình hưởng ứng và thực hiện, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Ra mắt CLB Chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân.
Tập trung nâng cao chất lượng dân số, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thí điểm và nhân rộng nhiều Mô hình, đề án. Trong đó, Mô hình Can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống mới đầu triển khai ở 15 xã của 3 huyện (Lắk, Krông Pắc và Kông Ana), rồi nhân rộng thêm 24 xã của 5 huyện (Buôn Đôn, Ea Kar, Ea H’leo, Krông Năng và M’Đrắk)..., huy động sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, các già làng, trưởng buôn và những người có uy tín trong cộng đồng. Các hoạt động Tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình; nói chuyện chuyên đề, tư vấn hộ gia đình... đã góp phần nâng cao hiểu biết của người dân, nhất là vị thành niên, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số về hệ lụy của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Song song với đó, Mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng được triển khai tại thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, Krông Năng và Krông Pắc. Gần 50 Câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản lần lượt được thành lập. Đây là những sân chơi lành mạnh giúp cho nam, nữ thanh niên hiểu biết kiến thức về sức khỏe sinh sản, chuẩn bị hành trang tốt nhất trước khi kết hôn để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Không những vậy, những năm gần đây, nhiều trường học còn chú trọng các hoạt động ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên...Qua đó, cung cấp cho các em học sinh một lượng kiến thức cần thiết về kỹ năng sống; các vấn đề về giới tính, tình bạn, tình yêu; phòng chống xâm hại tình dục và tránh mang thai ngoài ý muốn.
Tỉnh Đắk Lắk với 15 huyện, thị xã và thành phố cũng đã phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Các hoạt động của Đề án được triển khai đồng bộ như: Tuyên truyền Luật bình đẳng giới, các Nghị định quy định xử phạt liên quan đến lựa chọn giới tính; tổ chức hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về nguyên nhân, hệ lụy và đề ra các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh...Đặc biệt, ngày Y tế Đắk Lắk đã tập trung chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
Một buổi tập huấn về kỹ năng truyền thông, vận động đối tượng tầm soát các bệnh tật bẩm sinh.
Cũng trong giai đoạn này, Đề án trước sinh và sơ sinh được triển khai và thực hiện có hiệu quả. Ngành chức năng đã phối hợp với Bệnh viện Y dược Huế, Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh tập huấn về chuyên môn và kỹ thuật thực hiện dịch vụ sàng lọc cho đội ngũ y tế của các Bệnh viện đa khoa trong toàn tỉnh. Đồng thời, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông, vận động cho cán bộ y tế và dân số. Từ đó các hoạt động tư vấn tại cộng đồng và hộ gia đình được thực hiện thường xuyên...giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh; phát hiện sớm các bệnh, tật bẩm sinh và có giải pháp can thiệp phù hợp để sinh ra những em bé khỏe mạnh.
Người cao tuổi được quan tâm chăm sóc nhiều hơn.
Hiện nay, số người từ 60 tuổi trở lên ở tỉnh Đắk Lắk chiếm khoảng 8,7% dân số. Mặc dù dân số tỉnh ta chưa bị “già hóa” nhưng số người cao tuổi tăng nhanh theo từng năm. Ban đại hiện Hội người cao tuổi từ tỉnh đến cơ sở được thành lập. Người cao tuổi ngày càng được quan tâm nhiều hơn về đời sống vật chất và tinh thần, hệ thống an sinh xã hội và các dịch vụ về y tế. Nhiều nơi đã thành lập được các câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ văn thể, bóng chuyền hơi...giúp cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe và sống có ích.
Nhờ thực hiện đa dạng hoạt động của các mô hình, đề án, giai đoạn 2011-2017, công tác Dân số và Sức khỏe sinh sản ở Đắk Lắk đã đạt được những kết quả đáng mừng. Hàng năm, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, mỗi năm tỷ suất sinh giảm từ 0,5-0,8 phần nghìn, tiến dần đến mức sinh thay thế; năm 2017, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 67,5%; tỷ lệ bà mẹ mang thai và em bé được sàng lọc trước sinh và sơ sinh khoảng 21%; giảm tỷ số tử vong mẹ, giảm tỷ lệ nạo phá thai; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 25% năm 2011 xuống còn 19,6% năm 2017...
Thể chất của Nhân dân các dân tộc ở Đắk Lắk ngày càng phát triển.
7 năm là một quãng thời gian chưa dài nhưng những chuyển biến tích cực từ việc thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 là tiền đề quan trọng để tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu để đến năm 2020: đảm bảo mức sinh thay thế (bình quân mỗi cặp vợ chồng sinh 2,1 con); quy mô dân số không quá 2 triệu người; 50% bà mẹ mang thai và 30% em bé được sàng lọc trước sinh và sơ sinh; giảm thiểu tử vong bà mẹ và trẻ em, tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tỷ số giới tính khi sinh dưới 110 bé trai/100 bé gái; giảm 50% người chưa thành niên có thai ngoài ý muốn; cải thiện giống nòi và nâng cao chất lượng dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác