Cần trang bị cho vị thành niên, thanh niên những kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng tránh thai để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Ảnh: TL
Những cách tránh thai không giống ai
BS Trương Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế đa chức năng quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, thực tế qua công tác giảng dạy, nói chuyện với học sinh khối THPT về kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bà nhận được rất nhiều câu hỏi “ngây ngô” từ cả bạn nam lẫn bạn nữ về các biện pháp phòng tránh thai thế nào cho an toàn, uống thuốc tránh thai khẩn cấp liên tục có ảnh hưởng gì không, hoặc có nên hay không nên “sống thử”?
Theo BS Kim Hoa, lý do một phần vì các bậc phụ huynh mới chỉ quan tâm chăm lo cho các em về học hành, vật chất mà hiếm khi quan tâm đến chuyện tư vấn, hướng dẫn cho các em về sức khỏe sinh sản, thậm chí vì sợ con cái hư sớm mà né tránh, nghiêm cấm con cái tìm hiểu về lĩnh vực này khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Chính điều này đã dẫn đến những “tai nạn” mang thai ngoài ý muốn; dễ bị xâm hại tình dục cũng như nguy cơ gây tổn hại cho bản thân các em ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên. Như trường hợp của một đôi bạn trẻ phải đến gặp bác sĩ để giải quyết hậu quả sau khi trót dại dùng… nilon để thay thế bao cao su với mục đích ngừa thai cách đây ít năm đã khiến dư luận trong nước cũng như truyền thông quốc tế xôn xao.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Thận Hà Nội – nơi trực tiếp tiếp nhận trường hợp trên, cả hai đều là sinh viên. Họ đến viện trong tình trạng đau đớn, bộ phận sinh dục cả hai đều bị trầy, xây xát nghiêm trọng, vết thương chảy máu do bị túi nilon cọ xát. Sau khi xử lý vết thương, bác sĩ kê thuốc chống viêm cho đôi bạn trẻ.
Qua lời kể của hai nạn nhân này, đây là lần quan hệ đầu tiên của họ. Vì sợ đi mua bao cao su sẽ bị bạn bè phát hiện trêu chọc nên cả hai mới nghĩ ra cách dùng túi nilon thay thế (?). Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, bao cao su được thiết kế đặc biệt có độ đàn hồi, mỏng, không mép, không gờ và được vô trùng. Trong khi đó, túi nilon dày, không co giãn, khi cọ xát rất dễ làm trầy xước bộ phận sinh dục, gây nhiễm trùng.
Ngoài việc dùng túi nilon tránh thai, các bác sĩ sản phụ khoa cũng đã từng gặp nhiều câu chuyện tránh thai “dở khóc dở cười” khác như vắt chanh, ngâm nước nóng vùng kín để “tiêu diệt” tinh trùng; nhét bông băng vào âm đạo để ngăn tinh trùng có thể chui vào bên trong khi giao hợp hoặc có những bạn nữ, sau khi quan hệ đã uống 2 thậm chí 3 viên thuốc tránh thai khẩn cấp trong vài ngày liên tiếp để tăng hiệu quản tránh thai cho… chắc ăn(?).
Tuy nhiên, đây là những việc làm vô cùng hại cho sức khỏe của nữ giới vì theo khuyến cáo của các bác sĩ sản khoa, thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ nên dùng 2 viên/tháng và chỉ dùng trong trường hợp “chữa cháy” thực sự cần thiết. Nếu lạm dụng loại thuốc này sẽ kéo theo rất nhiều tác dụng phụ cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.
Viêm nhiễm phụ khoa, gia tăng nạo phá thai và sinh con ngoài ý muốn
Xuất phát từ việc thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục nên đa số các bạn trẻ chủ yếu tìm đến bác sĩ là để “giải quyết” hậu quả. Theo BS sản khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y tế Thái Hà, Hà Nội), có những trường hợp tìm gặp bác sĩ trong tình trạng vùng kín bị viêm nhiễm nặng do bôi những hóa chất tẩy rửa không rõ thành phần để “làm sạch” sau khi quan hệ.
Hoặc cũng có những bạn cả nam lẫn nữ (tỷ lệ nữ nhiều hơn) đi khám thì phát hiện đã mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục từ bạn tình vì quan hệ tình dục không an toàn, không có bao cao su bảo hộ. Bên cạnh đó, cũng có những nữ sinh còn rất trẻ nhưng đã đến gặp bác sĩ để “nhờ” phá thai 2 thậm chí 3 lần. Theo BS Dung, đây là một tổn hại vô cùng lớn đối với sức khỏe cũng như tinh thần của các em gái ở cả hiện tại cũng như tương lai sau này. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá thai ở Việt Nam vẫn ở mức cao với 250 - 300 nghìn ca mỗi năm. Trong đó, cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên…
Bên cạnh việc nạo phá thai, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng khiến vị thành niên, thanh niên dễ trở thành những ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ. Điều này đặc biệt nguy hại đối với sức khỏe của nữ giới và càng nguy hiểm hơn khi tình trạng này có xu hướng gia tăng, ngay cả ở những nơi trình độ dân trí và đời sống phát triển như Hà Nội và một số thành phố lớn.
Thực tế, mới đây, thông tin tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt – Pháp, BS Nguyễn Thị Lan Hương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, mỗi năm, Bệnh viện Phụ sản Trung ương có khoảng 21.000 - 22.000 ca sinh. Trung bình mỗi năm, số sản phụ là vị thành niên đẻ tại viện chiếm 0,5%. Riêng trong 2 năm 2017- 2018, tại đơn vị này có tới 227 sản phụ trong độ tuổi vị thành niên (10-19 tuổi) đến sinh đẻ. Trong đó, có 4 người chỉ mới 10-13 tuổi. Số sản phụ từ 14-16 tuổi là 34 người. Số còn lại là từ 17-18 tuổi chiếm đại đa số (khoảng 83.5%).
Phấn đấu giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn
Theo các chuyên gia, mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên kéo theo hàng loạt các hệ lụy. Theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các biến chứng khi mang thai và sinh con tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15-19 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Mặt khác, nếu đi đến hôn nhân hoặc sinh con thì bản thân các em gái sẽ mất đi cơ hội học hành, không có công ăn việc làm, thiếu kiến thức chăm con. Bên cạnh đó, em bé sinh ra từ những bà mẹ trẻ này có sức khỏe yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển.
Hiện nay, mặc dù đã có các chương trình chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong các chương trình từ công tác giảng dạy đến việc thực hành các kỹ năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân những đối tượng này.
Hơn nữa, vị thành niên, thanh niên vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục đảm bảo chất lượng trong khi họ ngày càng có xu hướng cởi mở hơn trong việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Đây thực sự là những trở ngại khiến công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Xác định việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi, Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2030, giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống.
Giới trẻ tự tìm hiểu các biện pháp tránh thai… trên mạng
Bà Đinh Phương Nga, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số cho biết, hiện nay có 3 phương tiện giúp thanh thiếu niên biết thông tin về các biện pháp tránh thai đó là Internet, Truyền hình và tin nhắn SMS từ điện thoại di động.
Tuy nhiên, chỉ có 1/3 số người được hỏi cho biết sử dụng Internet (mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo…) để tìm hiểu thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Tỷ lệ nữ tìm hiểu thông tin này cao hơn nam giới.
17,4% thanh thiếu niên có nói chuyện với bố mẹ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và chỉ có 13,3% thanh thiếu niên đã nói chuyện với giáo viên về các chủ đề này trong vòng 12 tháng trước thời điểm nghiên cứu. Trong đó, 37,4% trao đổi về các các biện pháp tránh thai.
Điều này cho thấy, hầu hết thanh thiếu niên không tìm kiếm nguồn thông tin về các biện pháp tránh thai từ bố mẹ và các thầy cô mà chủ yếu tự “mày mò” trên mạng hoặc không tìm hiểu gì cả.