Các khách mời tại tọa đàm. Ảnh: M.A
Giá trị lớn từ Nghị quyết 21-NQ/TW
Chia sẻ về những giá trị mà các Nghị quyết về dân số được Ban Chấp hành Trung ương ban hành đã tạo ra các bước ngoặt lớn, quan trọng, GS Nguyễn Đình Cử nói: “Trước hết, phải nói cảm xúc của chúng tôi - những nhà nghiên cứu khi đón nhận chính sách dân số mới của Đảng, trong lịch sử Việt Nam đã có 2 Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương về dân số là Nghị quyết 04-NQ/HNTW năm 1993 và Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017. Tôi thấy nhiều giá trị rất lớn”.
Theo GS Nguyễn Đình Cử, giá trị lớn đầu tiên có thể nhận thấy rõ là Nghị quyết 21-NQ/TW đã nhạy bén phát hiện đúng và trúng những vấn đề dân số của nước ta hiện nay, những vấn đề này đã tác động rất mạnh đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Đó là những vấn đề như mức sinh thấp, có sự khác biệt giữa các vùng miền, cơ cấu dân số vàng đồng thời với già hoá, mất cân bằng giới tính khi sinh, phân bố dân số chưa hợp lý, chất lượng dân số chưa cao… Cơ cấu dân số vàng khoảng từ năm 2006 thì đến năm 2011 chúng ta đã bước vào quá trình già hoá dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh mới khoảng từ năm 2007.
Giá trị lớn tiếp theo đó là chính sách dân số mới đề ra hệ quan điểm, mục tiêu, giải pháp mới cho chính sách dân số của nước ta. Tất cả những điều mới này là cuộc cách mạng về chính sách dân số ở Việt Nam vì nó thay đổi hoàn toàn mục tiêu. Cũng có thể nói đây là bước ngoặt của chính sách. Khi phát hiện đúng vấn đề và có hệ thống giải pháp đúng thì sẽ làm tăng hiệu quả đầu tư cho công tác dân số nước ta, quan trọng nhất là góp phần phát triển bền vững đất nước. Đây là giá trị cối lõi của chính sách dân số mới.
Dân số giải quyết những vấn đề rất quan trọng và lâu dài
GS Nguyễn Đình Cử nói: “Y tế là giải quyết những vấn đề gấp, nguy hiểm, còn dân số là rất quan trọng nhưng lâu dài”. Ảnh: ĐBND
Đứng ở góc độ của một nhà nghiên cứu, GS Nguyễn Đình Cử cho rằng, để giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết 21-NQ/TW đã đề ra 7 nhóm giải pháp tổng quát.
Sau Nghị quyết 21-NQ/TW không lâu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP và cụ thể hoá nghị quyết này bằng 42 đề án. Đây là bước cụ thể hoá rất lớn, nhưng vấn đề đáng tiếc là cho đến nay, sau 2 năm thì chưa có đề án nào xây dựng xong, mà khi chưa có kịch bản thì không thể triển khai được. Do đó, trước mắt Chính phủ cần đôn đốc tất cả các Bộ, ban, ngành đã được giao đề án phải xong sớm, trình để Chính phủ duyệt.
GS Nguyễn Đình Cử cũng phân tích: “Một điểm đáng nói nữa là khi cần Tổng cục thì có Uỷ ban, nhưng khi chúng ta cần Uỷ ban thì chỉ có Tổng cục. Tôi nói như vậy là bởi vì khi chúng ta chỉ giải quyết vấn đề giảm sinh thì có Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ. Thực ra lúc bấy giờ chỉ cần một Tổng cục DS-KHHGĐ nằm trong Bộ Y tế là ổn, nhưng hiện nay có 24 chỉ tiêu có trong rất nhiều lĩnh vực, các Bộ, ban, ngành thì chỉ còn Tổng cục”.
Nói về những khó khăn và sự khác biệt trong việc tiếp cận với đối tượng đích, GS Nguyễn Đình Cử cho rằng: Với mô hình dân số nằm trong cơ quan y tế như hiện nay, khó ở chỗ y tế chờ bệnh nhân đến, còn dân số là đến với khách hàng. Y tế là giải quyết những vấn đề gấp, nguy hiểm, còn dân số là rất quan trọng nhưng lâu dài. Rõ ràng, nếu dân số là một phần của y tế, thì thường sẽ chỉ tập trung xử lý nguồn lực cho những vấn đề gấp, vấn đề khẩn cấp trước, còn vấn đề dân số là sau. Do đó dẫn đến mâu thuẫn trong bộ máy hiện nay, nhưng lại chưa thể đề xuất được vấn đề.
“Bản thân tôi là người nghiên cứu, cũng đi quan sát từ cấp xã, cấp huyện, đến tỉnh thì cũng đã phát hiện ra vấn đề nhưng lại đang vướng Nghị quyết 18 và 19 nên chưa thể tìm ra lời giải”, GS Nguyễn Đình Cử nói.
“Vướng tư duy dẫn đến vướng nguồn lực”
Theo GS Nguyễn Đình Cử, thách thức lớn nhất hiện nay chính là về nhận thức, về sự hiểu biết một cách tường tận, triệt để, căn cơ về Nghị quyết 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới. Bởi gần 60 năm nay, chúng ta tư duy chính sách DS - KHHGĐ theo kiểu, nhắc đến dân số là nhắc đến giảm sinh, là kế hoạch hoá gia đình. Nó đã trở thành dấu ấn trong tư duy người Việt Nam rằng, vấn đề dân số chỉ là vấn đề sinh đẻ. Do đó, theo GS Nguyễn Đình Cử, tư duy này hiện nay vẫn còn rất nặng nề, vẫn áp vào bộ máy y tế từ Trung ương đến cơ sở.
Trao đổi thêm về việc triển khai Nghị quyết 21, GS Nguyễn Đình Cử chia sẻ: “Năm 2018, tôi tham dự rất nhiều hội thảo về dân số nhưng tôi thấy nhiều người chưa thật sự hiểu một cách thấu đáo về Nghị quyết 21-NQ/TW về bước chuyển trọng tâm chính sách Dân số và Phát triển. Như vậy, vướng nhất hiện nay là vấn đề nhận thức thay đổi tư duy. Thay đổi điều này rất khó khăn, không thể trong một sớm một chiều và nếu tư duy chưa thay đổi thì các hành vi, các biểu hiện về bộ máy tổ chức, đầu tư sẽ còn vướng. Từ vướng tư duy dẫn đến vướng nguồn lực”.
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong việc triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW, GS Nguyễn Đình Cử, nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu về dân số chỉ rõ: Nếu chúng ta không chuyển trọng tâm một cách trọn vẹn, không tận dụng được cơ hội dân số vàng, không thích ứng được già hoá dân số, không giảm được mất cân bằng giới tính khi sinh, không nâng cao được chất lượng dân số thì tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại. Những biểu hiện về hậu quả xã hội của mất cân bằng giới tính khi sinh rất nặng nề và phân bố dân số ngày càng bất hợp lý. Tất cả những điều đó sẽ ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Với chủ đề “Dân số và Phát triển: Cơ hội và thách thức mới”, chương trình Tọa đàm trực tuyến do Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức nhằm trao đổi, thu nhận ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về những thành tựu đáng ghi nhận mà công tác dân số nước ta đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời tìm ra những tồn tại và đề ra những giải pháp.
Khách mời gồm: Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Bùi Ngọc Chương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Nguyễn Văn Tân - nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ; GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân; Bà Trương Thị Kim Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Các khách mời đã có rất nhiều ý kiến chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn và thách thức trong công tác DS-KHHGĐ hiện nay. Đồng thời cũng đưa ra những giải pháp và khuyến nghị cho công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Nghị quyết 21-NQ/TW có 7 nhóm giải pháp, theo ông nếu chúng ta thực hiện được thì quá trình phát triển dân số theo tư duy mới sẽ thành công. Sau Nghị quyết 21-NQ/TW, Chính phủ đã có Chiến lược đó là Nghị quyết 137/NQ-CP, và 42 Đề án rất cụ thể. Tuy nhiên đến nay, sự chuyển động tương đối chậm.
Ông Bùi Sỹ Lợi nói: “Tôi cho rằng, Nghị quyết hết sức quan trọng, nhưng Nghị quyết chỉ là định hướng tư tưởng, quan điểm, giải pháp của Đảng để đạt mục tiêu phát triển dân số, còn để tốt hơn thì phải thể chế bằng pháp luật. Đó là những văn bản có tính chất pháp quy cao nhất, yêu cầu mọi người phải thực hiện, làm theo. Tuy nhiên, ngay từ đầu nhiệm kỳ Khóa 14, chúng tôi đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là nâng Pháp lệnh Dân số thành Luật Dân số, nhưng ngay từ vòng đầu, Luật Dân số đã không đủ điều kiện để được đưa vào để thông qua.
Tôi nghĩ rằng, quyết tâm của Chính phủ, nếu chúng ta muốn thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW chuyển từ DS - KHHGĐ sang Dân số và Phát triển, đạt được mục tiêu chất lượng, cơ cấu dân số đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước thì chúng ta phải sớm nghiên cứu để ban hành Luật Dân số để đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi chờ đợi và sẽ tham gia cùng với Chính phủ để trình được dự thảo luật này lên Quốc hội. Có như vậy, chúng ta mới bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước về dân số”.
Mai Anh
Nguồn: giadinh.net.vn