Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra và tìm kiếm nhiều việc làm có thu nhập cao. Ảnh: Chí Cường
Việt Nam liên tục duy trì được mức sinh ổn định
Việt Nam chính thức bắt đầu thực hiện Chương trình DS-KHHGĐ từ năm 1961. Khi đó, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có 6,4 con, đến nay chỉ còn 2,09 con. Nếu lấy mốc năm 2006, Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế (tức trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), thì từ đó đến nay, mức sinh của Việt Nam liên tục được duy trì ổn định. Mô hình sinh nhiều, sinh dày đã được chuyển sang mô hình sinh ít, sinh thưa.
Nếu như năm 1989, trung bình 1.000 trẻ sinh ra có tới 42,3 em tử vong thì nay giảm còn 14,9 em. Điều này đã góp phần quan trọng vào việc gia tăng tuổi thọ bình quân. Tuổi thọ người Việt Nam hiện nay là 73,5 tương đương với các nước đã phát triển, thậm chí vượt cả Nga, Trung Quốc…
Sự thay đổi về cơ cấu dân số giữa các nhóm tuổi và tỷ số người phụ thuộc giảm đã giúp Việt Nam đang ở thời kỳ “cửa sổ nhân khẩu” với các “dư lợi nhân khẩu”, đồng thời cũng trong giai đoạn “già hóa dân số”. Thời gian của dư lợi kéo dài trong vài thập kỷ và phụ thuộc vào sự biến động mức sinh của dân số đó. Liên Hợp Quốc đã đưa ra 4 nhóm lợi ích lớn của thời kỳ này là: Cung cấp lực lượng lao động; tiết kiệm, đầu tư nguồn lực; nguồn lực con người và tiêu dùng.
Tháng 11/2013, dân số Việt Nam tròn 90 triệu người, một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển nhân khẩu Việt Nam nói riêng cũng như trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam nói chung. Ước tính hiện nay, dân số Việt Nam đã khoảng 97 triệu người và đang đứng thứ 14 trên thế giới về quy mô dân số, trong đó có tới 67 triệu người đang độ tuổi lao động. Đây sẽ là nguồn lực vô cùng lớn cho sự phát triển của quốc gia. Sự chuyển đổi nhân khẩu trong bối cảnh môi trường chính trị ổn định và trên nền tảng đặc điểm, tính cách người Việt thì Việt Nam luôn là lựa chọn hàng đầu của các dòng chuyển dịch đầu tư trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng với thế giới.
Cần bài toán giải được khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, làm thế nào để có thể tận dụng, phát huy được những lợi thế trên lại là một bài toán nan giải khi mà chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số”.
Các nhà khoa học trong, ngoài nước đã dự báo, tốc độ “già hóa dân số” Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia “siêu già” như Nhật Bản hiện nay. Nếu như các nước đã phát triển mất hàng thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ để chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang giai đoạn “dân số già” thì Việt Nam chưa đến hai thập kỷ. Nửa thế kỷ nỗ lực giảm sinh, chưa đầy nửa thế kỷ sau, Việt Nam đã thành quốc gia “siêu già”. Xây dựng một xã hội thích ứng là thách thức không hề nhỏ đối với Việt Nam.
Trong dòng chảy sôi động của đô thị hóa, di cư là một quy luật tất yếu và là động lực cho sự phát triển. Các dòng di cư ở Việt Nam chủ yếu từ nông thôn ra thành thị, từ Bắc vào Nam. Đông Nam Bộ là vùng thu hút người di cư đến nhiều nhất, bởi đây là trung tâm kinh tế, tài chính, chứng khoán năng động bậc nhất cả nước. Tây Nguyên là vùng hấp dẫn người di cư thứ hai của cả nước bởi đất rộng, người thưa (101 người/km2, thấp nhất cả nước). Di cư và đô thị hóa đặt ra vấn đề, phải đảm bảo quyền được di cư, cư trú của người dân và việc tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ đó, cần thay đổi cách thức quản lý dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển. Chưa đến 5 năm, có thể xây dựng xong một đô thị, nhưng 50 năm có thể chưa xây dựng được lối sống đô thị. Theo dự báo, năm 2020, tỷ lệ dân số thành thị nước ta tăng lên 45%, năm 2025 là 50%.
Cùng với sự biến đổi tự nhiên trong cơ cấu dân số, thời gian qua, tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi vẫn diễn ra đã dẫn đến tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam ngày càng cao và mất cân bằng tự nhiên. Sự thiếu hụt khoảng 100 triệu phụ nữ (lớn hơn cả dân số Việt Nam) ở Trung Quốc và Ấn Độ là những bài học kinh điển cho sự phát triển bền vững bởi hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, mà nhiều khi những hệ lụy đó vượt qua cả biên giới quốc gia và tác động đến các nước láng giềng. Có thể nói, sự chuyển đổi nhân khẩu diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam đã mang đến những lợi thế to lớn và những thách thức không nhỏ cho sự phát triển đất nước.
Dân số và biến đổi khí hậu, nước biển dâng được coi là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống mà Liên Hợp Quốc đưa ra. Theo dự báo, đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển có thể dâng cao thêm 1m, ước tính 40%, đồng bằng sông Cửu Long, 11% Đồng bằng sông Hồng, 3% diện tích các tỉnh thuộc vùng ven biển bị ngập, riêng TP Hồ Chí Minh có thể bị ngập đến 20%; khoảng 10-20% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất có thể lên tới 10% GDP. Đó thực sự là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống mà Việt Nam phải ứng phó. Điều đó cho thấy, những quyết sách mới, tổng thể cho quốc gia đối với vấn đề dân số và phát triển bền vững hiện cần thiết hơn bao giờ hết.
Con người là trung tâm của phát triển
Theo các chuyên gia Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, mối quan hệ giữa Dân số và Phát triển đang ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trên toàn cầu. Điều này đã được nhấn mạnh trong quá trình thảo luận của Chương trình hành động sau năm 2014 của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) và Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, cũng như những đàm phán giữa các chính phủ xung quanh các mục tiêu phát triển bền vững.
Những thách thức liên quan tới Dân số và Phát triển đan xen cùng với những vấn đề về nghèo đói, xu hướng tiêu dùng và bất bình đẳng. Vì con người là trung tâm của phát triển, quyền, nhu cầu và hạnh phúc của con người phải được đặt làm trọng tâm của các chính sách, chiến lược và quy hoạch phát triển. Vì vậy, những vấn đề dân số phải được lồng ghép vào quy hoạch phát triển tại cấp quốc gia và địa phương, bao gồm cả trong bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Nghị quyết số 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Nắm bắt và tận dụng cơ hội càng sớm càng tốt
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, cơ hội dân số vàng đóng góp khoảng 1/3 cho tăng trưởng kinh tế ở một số quốc gia. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã tận dụng tốt cơ hội nhân khẩu học này, làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế một cách ngoạn mục và trở thành những con rồng châu Á. Kinh nghiệm cũng cho thấy, mấu chốt để phát huy được cơ cấu dân số vàng là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và các nhà khoa học cũng dự báo thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài trong khoảng 30-35 năm.
Việt Nam cần chớp lấy thời cơ dân số vàng để cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 - 200 năm sau. Điều cốt yếu là nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên năng suất lao động. Đồng thời, có chính sách đầu tư và tái đầu tư cho phát triển, đặc biệt là phát triển con người.
Nói về vấn đề này, GS Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: Để đưa đất nước đi lên, phát triển bền vững, tránh được “bẫy thu nhập trung bình” và đương đầu được với thách thức dân số “siêu già” của thời kỳ “hậu dân số vàng”, cần tận dụng những vận hội do cơ cấu dân số vàng mang lại, thông qua đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra và tìm kiếm nhiều việc làm có thu nhập cao, cả ở trong và ngoài nước, hạn chế tiêu dùng xa xỉ để nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy đầu tư. “Mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu “dân số vàng” nếu không khai thác thì sẽ hết. Bởi vậy, nhận rõ, nắm bắt và tận dụng cơ hội này càng sớm, càng tốt, không chỉ là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo, quản lý mà còn là của mỗi người dân”, GS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.
Các chuyên gia trong lĩnh vực dân số cho rằng: Chính phủ cần lồng ghép dân số vào phát triển bền vững, thông qua tăng cường cơ sở pháp lý và tính pháp quy về phạm vi, quy trình lồng ghép dân số trong hệ thống các ngành, lĩnh vực và các cấp; nâng cao kiến thức, kỹ năng của cán bộ lãnh đạo, cán bộ thực hành việc lồng ghép dân số ở các ngành, các lĩnh vực và các cấp… Hà Anh
ThS Lương Quang Đảng
Nguồn: giadinh.net.vn