Sáng 11/7, Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Tại Hội nghị trực tuyến, Ban chỉ đạo đã công bố kết quả về tình hình dân cư, nhà ở… của Việt Nam tính đến 0h ngày 1/4/2019.
Theo đó, ngày 26/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 772/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Mục đích của Tổng điều tra là nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước phục vụ đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2015 và giai đoạn 2016 – 2020.
Được thực hiện trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, đặc biệt là công đoạn thu thập thông tin tại địa bàn với hình thức thu thập thông tin chủ yếu điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động, chiếm 99.9% các hộ dân cư.
Hội nghị trực tuyến công bố kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019
Tổng dân số Việt Nam vào thời điểm 0h ngày 1/4/2019 là 96,208,984 người, trong số đó dân số nam là 47,881,061 người (chiếm 49.8%) và dân số nữ là 48,327,923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm).
Tỷ số giới tính là 99,1% nam/100 nữ, trong đó khu vực thành thị là 96,5%/nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính tăng liên tục trong những năm qua nhưng không thấp hơn 100 trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 209 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2,398 người/km2 và 4,363 người/km2.
Hội nghị trực tuyến kết nối với các tỉnh thành.
Phân bố dân cư giữa các vùng kinh tế - xã hội có sự khác biệt đáng kể, vùng đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người, chiếm gần 23,4%. Tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 20,2 triệu người, chiếm 21%. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với tổng dân số là 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước.
Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là 33,059,735 người, chiếm 34,4%. Ở khu vực nông thôn là 63,149,249 người, cheiems 65,6%. Từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng dân số trong khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm.
Toàn quốc có 82,085,729 người dân tộc Kinh, chiếm 85,3% và 14,123,255 người dân tộc khác, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Địa bàn sinh sống chủ yêu của nhóm dân tộc khác là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên.
Trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%. Trong đó, dân số đang có vợ chồng chiếm 69,2%; dân số có tình trạng “ly hôn” hoặc “ly thân” chiếm 2,1%; Dân số góa vợ/chồng chiếm 6,2%. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa từng kết hôn ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn là 6,7 điểm phần trăm, tương ứng 26,8% và 20,1%. Nữ giới có xuu hướng kết hôn sớm và phổ biến hơn nam: Tỷ lệ dân số nam từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn thấp hơn so với nữ, tương ứng là 73.4% và 81,5%.
Cũng theo công bố, hầu hết hộ dân cư ở Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%). Tỷ lệ này ở khu vực thành thị đạt 98,2%, cao hơn 7,9 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn (90,3%). Trong vòng 20 năm qua, kể từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỷ lệ hộ sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố đã tăng mạnh từ 63,2% năm 1999 lên 84,2% năm 2009 và đạt 93,1% vào năm 2019.
Lê Bảo
Nguồn: giadinh.net.vn