27/03/2019 12:00
Sinh đông con và nghèo đói đó là hình ảnh dễ nhận thấy của nhiều gia đình sinh sống ở vùng sâu, vùng xa huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên để giảm được tình trạng sinh đông con là một bài toán không hề đơn giản.
Gia đình sinh đông con, kinh tế khó khăn.
Chị H’Biên Mlô ở buôn Cư Mtao, xã Ea Sin, huyện Krông Búk sinh đến 5 người con, gồm 3 trai và 2 gái. Trong đó, người con đầu 14 tuổi còn người con thứ 5 mới sinh năm 2018. Số con của chị H’Biên có thể sẽ tăng lên vì hiện tại vợ chồng chị chưa sử dụng biện pháp tránh thai. Đất đai canh tác ít ỏi, lại sinh đông con nên kinh tế của gia đình chị H’Biên luôn thiếu trước, hụt sau. Bởi thế, gia đình này vẫn chưa thoát được cảnh nghèo khó từ nhiều năm nay, các con không được chăm sóc đến nơi, đến chốn. Hàng ngày chị H’Biên chỉ biết quanh quẩn ở nhà với con, còn gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” một mình người chồng gánh vác.
Còn chị H’Lũi Niê ở buôn Cư Kanh, xã Ea Sin, huyện Krông Búk thì sinh đến 7 người con. Trong đó, người con đầu 17 tuổi, còn người con thứ 7 mới được 1 tuổi. Hiện tại vợ chồng chị H’Lũi chưa sử dụng biện pháp tránh thai nào nên số con của họ có thể sẽ tăng lên. Những đứa trẻ trong gia đình này từ khi sinh ra đến lúc lớn lên đều không được chăm sóc đầy đủ nên hay bị đau ốm. Không những vậy, 2 đứa con đầu 17 tuổi và 14 tuổi lần lượt bỏ học khi mới học xong lớp 3 và lớp 1. Nhà không có nương rẫy nên vợ chồng chị H’Lũi Niê quanh năm suốt tháng chỉ biết đi làm thuê, làm mướn, thế nhưng thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống.
Cán bộ dân số huyện Krông Búk vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 670 hộ, với hơn 3.200 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 75%. Hàng năm, Ban Dân số-KHHGĐ xã đã triển khai nhiều giải pháp về truyền thông, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tuy vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm đều trên 15% so với tổng số trẻ sinh ra. Năm 2018 có 11 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, còn từ đầu năm 2019 đến nay cũng đã có 3 trường hợp. Chị Phạm Ngọc Diệp – Cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Sin cho biết: Vấn đề giảm tình trạng sinh đông con ở xã Ea Sin gặp rất nhiều khó khăn, nhuyên nhân chính vẫn là do nhận thức của người dân về Kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế. Đặc biệt, tư tưởng thích sinh đông con và phải có con trai, con gái vẫn ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều gia đình.
Không riêng gì ở xã Ea Sin mà tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn xảy ra ở tất cả các xã thuộc huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Trong năm 2018, huyện Krông Búk có đến 136 trẻ là con thứ 3 trở lên (chiếm hơn 17% tổng số trẻ được sinh ra), chất lượng dân số thấp.
Nhằm giảm tình trạng sinh đông con, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Krông Búk đã phối hợp với Ban Dân số các xã tổ chức Chiến dịch truyền thông dân số đến vùng có mức sinh cao; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động, cung cấp phương tiện tránh thai cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Đồng thời, tuyên truyền lưu động đến từng địa bàn thôn, buôn; chuyển tải thông tin về Dân số-KHHGĐ tới từng hộ dân. Bên cạnh đó, các buổi sinh hoạt văn nghệ, họp nhóm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ “không sinh con thứ 3”...cũng được triển khai thường xuyên. Bà Hoàng Thị Thu Hoài – Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Krông Búk cho biết: Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Krông Búk còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền Nghị định 39 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, với mức tiền hỗ trợ là 2 triệu đồng/người.
Một số gia đình ở huyện Krông Búk cam kết chỉ sinh 2 người con.
Huyện Krông Búk hiện gần 12.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng, trong đó có khoảng 30% cặp chưa sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, tình trạng đẻ dày, đẻ nhiều vẫn xảy ra ở nhiều gia đình. Nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và đoàn thể đối với công tác Dân số-KHHGĐ; nếu không triển khai kịp thời các hoạt động tư vấn, vận động về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung cấp phương tiện tránh thai...thì xem ra khó lòng giảm được tình trạng sinh đông con./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác