30/04/2019 12:00
Tình trạng tảo hôn và sinh đông con đã và đang là những thách thức không nhỏ trong công tác Dân số-KHHGĐ ở tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Gia đình chị Dê sống trong cảnh thiếu thốn.
Chị Ngô Thị Dê ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk năm nay mới 25 tuổi nhưng đã sinh đến 5 người con. Trong đó, người con đầu 10 tuổi còn người con thứ năm được 9 tháng tuổi. Qua tìm hiểu được biết, chị Ngô Thị Dê lấy chồng khi mới 15 tuổi. Lấy chồng sớm, lại sinh đông và sinh dày nên chị Dê thường xuyên đau ốm. Hàng ngày chị chỉ biết quanh quẩn ở nhà, còn gánh nặng kinh tế gia đình một mình người chồng gánh vác. Hơn 10 năm nay, gia đình chị Dê vẫn chưa thoát được vòng luẩn quẩn của cái nghèo; các con của chị từ khi sinh ra đến lúc lớn lên đều không được chăm sóc đầy đủ nên hay đau ốm.
Còn chị Lò Thị Mỹ cũng ở thôn Thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông do bố mẹ nghèo nên không được đi học, lớn lên chị đi lấy chồng khi mới 13 tuổi. Sau 7 năm, Lò Thị Mỹ lần lượt sinh 4 người con. Trong đó người con đầu 7 tuổi còn người con thứ tư vừa tròn 1 tuổi. Lấy chồng và sinh con khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hoàn thiện nên Lò Thị Mỹ thường xuyên đau ốm. Không những vậy, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và kể cả việc chăm sóc con thì Mỹ còn rất mơ hồ. Cũng giống như nhiều phụ nữ khác ở thôn Ea Lang, hàng ngày Mỹ chỉ biết quanh quẩn ở nhà với đàn con nhỏ, còn người chồng thì đi làm thuê, làm mướn. Mặc dù được cán bộ dân số tư vấn, vận động nhưng vợ chồng Mỹ vẫn chưa sử dụng biện pháp tránh thai nào. Vì thế, việc sinh thêm những người con chỉ là vấn đề thời gian. Cuộc sống gia đình chị Mỹ vốn đã khó khăn cộng với sinh đông con nên càng thêm khổ cực.
Trẻ em sống kham khổ vì bố mẹ sinh đông con.
Thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông hiện có 140 hộ với gần 900 nhân khẩu. Hầu hết dân số là đồng bào dân tộc Mông di cư ngoài kế hoạch từ phía Bắc vào. Do tồn tại quan niệm cổ hủ về cưới hỏi và sinh đẻ nên tình trạng tảo hôn và sinh đông con thường xuyên xảy ra. Từ năm 2016 đến nay, thôn Ea Lang có 38 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí là sinh con thứ 7, thứ 8. Chị Đàm Thị Bay – Cộng tác viên dân số thôn Ea Lang, xã Cư Pui cho biết:Người dân ở đây cho rằng: con gái 16-17 tuổi mà chưa lấy chồng là muộn. Mà lấy chồng thì phải sinh đông con cho “vui cửa vui nhà” và “có con trai để nối dõi tông đường”...Vì vậy, công tác tư vấn, vận động về Dân số-KHHGĐ hiệu quả còn hạn chế. Tình trạng tảo hôn và sinh đông con cứ thế năm nào cũng xảy ra.
Xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 2.300 hộ với hơn 13.300 nhân khẩu sinh sống ở 13 thôn. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% dân số, chủ yếu là dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào. Hàng năm, không riêng gì thôn Ea Lang mà tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên xảy ra ở tất cả các thôn khác của xã Cư Pui. Trong năm 2017 và 2018, toàn xã có 30 trường hợp tảo hôn và 204 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Ông Y Lai Niê – Trưởng Ban Dân số-KHHGĐ xã Cư Pui cho biết: Mặc dù Ban Dân số-KHHGĐ đã làm đủ mọi cách như: tư vấn hộ gia đình, sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình và chấp hành Luật hôn nhân và gia đình...nhưng vẫn chưa giảm thiểu được tình trạng tảo hôn và sinh đông con.
Cán bộ dân số xã Cư Pui vận động người dân Kế hoạch hóa gia đình.
Thực tế ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và sinh đông con đang là những thách thức không hề nhỏ trong công tác Dân số-KHHGĐ. Bên cạnh nỗ lực của những người làm công tác dân số, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủa Đảng, chính quyền và các đoàn thể về tăng cường truyền thông Luật Hôn nhân và Gia đình, thực hiện hiệu quả dịch vụ kế hoạch hóa gia đình....Đồng thời, thực thi nghiêm minh các chế tài xử phạt những trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác