30/05/2019 12:00
Hàng năm ở tỉnh Đắk Lắk, mức sinh và tình trạng sinh con thứ 3 trở lên đều có xu hướng giảm. Tuy vậy, ở một số địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tình trạng sinh đông con vẫn xảy ra thường xuyên và trở thành vấn đề nan giải trong công tác Dân số-KHHGĐ.
Gia đình chị Hầu Thị Mỹ sống trong cảnh khó khăn.
Chị Hầu Thị Mỹ ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông năm nay mới 41 tuổi nhưng đã sinh đến 8 người con. Trong đó, người con đầu 18 tuổi (đã bỏ học sớm rồi đi lấy chồng khi mới 16 tuổi), còn người con thứ tám mới hơn 1 tuổi. Hiện tại vợ chồng chị Mỹ vẫn chưa sử dụng biện pháp tránh thai, nên số con của họ tăng lên chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Hàng ngày, chị Mỹ chỉ biết quanh quẩn ở nhà với những đứa con thơ, còn gánh nặng kinh tế gia đình một mình người chồng gánh vác. Vì thế, nhiều hôm cơm không đủ ăn nên chưa thể nghĩ đến chuyện làm nhà. Hiện tại, gia đình chị Mỹ có 10 nhân khẩu (trong đó có 1 người con nuôi) sống trong ngôi nhà tuềnh toàng. Những đứa trẻ trong gia đình này lớn dần lên trong cản thiếu thốn và phải bỏ học sớm. Trong đó, người con thứ 2 là Sùng Thị Gió đã bỏ học khi mới học xong lớp 4 để ở nhà phụ giúp bố mẹ. Những đứa em của Gió cũng khó có thể được ăn học đến nơi, đến chốn vì gia đình còn nghèo.
Vẻ mặt đầy lo toan của chị Đào Thị Tùng vì kinh tế eo hẹp.
Còn chị Đào Thị Tùng cũng ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông năm nay mới 30 tuổi nhưng đã sinh đến 6 người con gồm 5 trai và 1 gái. Trong đó, người con đầu 10 tuổi còn người con thứ sáu hơn 1 tuổi. Cũng giống như nhiều phụ nữ ở đây, chị Tùng suốt ngày ở nhà sinh con và chăm con, ít khi được ra khỏi thôn làng nên kiến thức về đời sống xã hội và kiến thức về kế hoạch hóa gia đình rất xa lạ với chị. Bởi vậy, dù được cán bộ dân số hướng dẫn tỉ mỉ các biện pháp tránh thai hiện đại đại nhưng khi áp dụng thì không đạt hiệu quả. Việc chị Tùng sinh thêm đứa con thứ 7, thứ 8 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Cuộc sống sẽ còn nhiều thách thức phía trước. Thương nhất là những đứa trẻ trong gia đình này lớn lên trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc.
Krông Bông là huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện có hơn 20.500 hộ, với gần 100 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40% dân số. Hàng năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên luôn chiếm hơn 15% tổng số trẻ được sinh ra. Không chỉ ở huyện Krông Bông mà tình trạng sinh đông con vẫn xảy ra ở những địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong năm 2018, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở huyện Lắk là 21,8%, MĐrắk là 18,6%, Cư Mgar là 16,7%... Bên cạnh việc sinh đông con thì tình trạng tảo hôn cũng là một thách thức không nhỏ trong công tác Dân số-KHHGĐ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân cũng tình trạng tảo hôn và sinh đông con là do tỉnh Đắk Lắk có địa bàn rộng, lại là nơi có 47 dân tộc anh em chung sống, vẫn tồn tại tư tưởng như “thích sinh đông con để sau này có lao động làm việc”, “sinh con trai để nối dõi tông đường”...
Trẻ em ở xã Cư Pui còn nhiều thiếu thốn trong cuộc sống.
Không những vậy, đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa, một số nơi đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn nên công tác Dân số-KHHGĐ chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, trình độ dân trí thấp nên việc tiếp thu kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế.
Để giảm tình trạng sinh đông con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không phải là chuyện “ngày một, ngày hai” mà cần có thời gian cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp, các ngành ở tỉnh Đắk Lắk. Song song với việc giảm sinh, giảm tình trạng sinh con thứ 3 thì việc triển khai các mô hình, đề án trong công tác dân số cần được thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm từng bước cải thiện giống nòi và nâng cao chất lượng dân số./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác