20/06/2019 12:00
Ở những địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn để nâng cao ý thức và chuyển đổi hành vi về kế hoạch hóa gia đình không phải là chuyện dễ dàng. Tuy vậy, thời gian gần đây, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nên nhiều người dân ở xã Ea Wer đã chấp nhận xây dựng mô hình gia đình ít con để chăm sóc và nuôi dạy cho tốt.
Chị Lê Thị Nghĩa(áo trắng) - Cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Wer
tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.
Xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn hiện có gần 9.000 người sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 47% dân số. Trước đây, tình trạng sinh nhiều con và sinh dày vẫn thường xảy ra, thậm chí có những cặp vợ chồng sinh đến 7, 8 người con. Hàng năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm gần 20% tổng số trẻ sinh ra. Chị Lê Thị Nghĩa – Chuyên trách dân số xã Ea Wer cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ dân trí còn thấp, người dân chưa tự giác tìm hiểu kiến thức về đời sống xã hội cũng như các thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản; tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại rất thấp...
Trước những khó khăn kể trên, những năm gần đây, Ban Dân số-KHHGĐ xã đã chủ động vận động sự vào cuộc của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, già làng, trưởng buôn; phối hợp với các đoàn thể, ban tự quản thôn, buôn tăng cường tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề phân tích về hệ lụy của việc sinh nhiều con và sinh dày, lợi ích của sinh con ít/đẻ con thưa. Chị Lê Thị Nghĩa – Chuyên trách dân số xã Ea Wer cho biết thêm: Tôi và Cộng tác viên dân số thường xuyên đi cơ sở để nắm bắt địa bàn, rà soát đối tượng, trong đó chú trọng những cặp vợ chồng đã sinh 2 người con, vận động họ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại để kế hoạch hóa gia đình.
Nhờ được cung cấp đầy đủ các thông tin và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình nên ý thức của người dân ở xã Ea Wer đã chuyển biến mạnh mẽ. Năm 2018, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 12,5%; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại gần 70%...Nhiều gia đình đã trở thành điển hình trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình để vươn lên phát triển kinh tế.
Chị Cách Nông Lào quyết tâm kế hoạch để có điều kiện chăm sóc các con.
Chị Cách Nông Lào sinh ra và lớn lên ở buôn Tun B, xã Ea Wer đã chứng kiến nhiều gia đình sinh đông con dẫn đến nghèo đói, con phải bỏ học sớm. Vì thế, sau khi lấy chồng và sinh được 2 người con, chị Lào đã quyết định kế hoạch. Hàng ngày, vợ chồng chị chăm chỉ lao động trên nương rẫy trồng lúa, trồng bắp... Ngoài ra, chị còn mạnh dạn vay vốn chăn nuôi bò, để cuộc sống no đủ và có điều kiện chăm sóc các con. Còn chị H’Kiếp Kpơr cũng ở buôn Tun B, xã Ea Wer sau khi sinh được 2 người con đã chọn cho mình biện pháp tránh thai phù hợp để kế hoạch. Nhờ sinh ít và sinh thưa nên vợ chồng chị H’Kiếp có thời gian và điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ngoài những công việc nhà nông, chị H’Kiếp còn làm thêm nghề thợ may để có thêm thu nhập. Từ đó, kinh tế gia đình ngày một no đủ hơn, các con của chị cũng được chăm sóc đến nơi, đến chốn.
Thực tế ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho thấy, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quyết tâm và những giải pháp phù hợp đã làm chuyển biến hành vi của người dân về kế hoạch hóa gia đình. Tuy vậy, trong tình hình mới với sự phát triển về kinh tế-xã hội cần có nguồn nhân lực chất lượng. Điều đó đòi hỏi chính quyền, đoàn thể và ban dân số cần tăng cường các hoạt động truyền thông, chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, góp phần nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác