27/08/2019 12:00
Sinh con ra phải gắn liền với sự yêu thương và trách nhiệm chăm sóc con. Với quan niệm đó, rất nhiều gia đình ở tỉnh Đắk Lắk dù sinh con một bề là gái nhưng họ đã quyết định kế hoạch để có điều kiện nuôi dạy con tốt nhất và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Chị Phan Thị Vân cùng 2 người con gái yêu thương.
Gia đình chị Phan Thị Vân và anh Nguyễn Xuân Chiến cũng sinh 2 người con gái (người con 4 tuổi và người con út được 9 tháng tuổi). Chị Vân chia sẻ: sau khi sinh người con thứ 2 có nhiều lúc băn khoăn, suy nghĩ vì chưa sinh được con trai để làm bạn với chồng. Tuy vậy, chồng của chị đã thấu hiểu và 2 vợ chồng thống nhất thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Hằng ngày, chị Vân ở nhà chăm con nhỏ còn người chồng chăm chỉ lao động để có tiền trang trải cuộc sống. Mặc dù kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng vợ chồng chị Vân luôn nỗ lực để chăm sóc các con của mình chu đáo nhất. Chị Phan Thị Vân cho biết thêm: “Có con là niềm hạnh phúc nhất và sinh con phải gắn với trách nhiệm chăm sóc và dạy dỗ. Vì thế vợ chồng tôi quyết định kế hoạch để chăm sóc các con đầy đủ để có tương lai tốt đẹp.”.
Cùng ở tổ dân phố 2, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk có vợ chồng chị Lô Thị Nhằng và anh Nguyễn Văn Tuấn ở tổ dân phố 2, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk là tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ. Qua tìm hiểu được biết, vợ chồng chị Nhằng quê gốc ở tỉnh Nghệ An, nơi mà tư tưởng “trọng nam hơn trọng nữ” đã và đang tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác của không ít gia đình. Trong khi đó, chị Nhằng lần lượt sinh 2 người con gái. Thay vì tiếp tục sinh để kiếm con trai, chị đã bàn bạc với chồng “dừng lại để chăm sóc và nuôi dạy các con cho tốt”. Suy nghĩ của chị đã được người chồng đồng tình ủng hộ. Hiện tại, người con đầu của vợ chồng chị Nhằng là cháu Nguyễn Lô Cẩm Tú, học lớp 6. Trong 5 năm qua, năm nào cháu cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Còn người con út là cháu Nguyễn Lô Lan Hương đang học mẫu giáo. Nhờ sinh ít con và chăm chỉ lao động nên kinh tế của gia đình chị Nhằng ngày càng phát triển. Nhưng hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng chị là các con luôn chăm chỉ học tập và vâng lời ông bà, bố mẹ. Chị Lô Thị Nhằng cho biết: “Đối với vợ chồng tôi, con trai hay con gái đều quý cả, nên dừng lại ở hai con để chăm sóc cho đầy đủ...”.
Cộng tác viên dân số vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Không chỉ gia đình chị Lô Thị Nhằng và chị Phan Thị Vân mà hiện nay ở tỉnh Đắk Lắk có rất nhiều gia đình sinh con một bề là gái nhưng vẫn hạnh phúc trọn vẹn khi các con chăm ngoan, học giỏi và thành đạt; hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Điều này càng khẳng định một điều rằng: Gia đình hạnh phúc không nhất thiết phải sinh đủ con gái và con trai, không phải là chuyện “sinh con để dõi dòng họ”...mà điều quan trọng nhất chính là tình yêu thương, chia sẻ, trách nhiệm của bố mẹ trong việc giáo dục con cái trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Thời gian qua, thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ngành chức năng đã tổ chức nhiều buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi...đến với cấp ủy Đảng, chính quyền, trưởng dòng họ và các cặp vợ chồng. Đồng thời cán bộ dân số thường xuyên phân tích những nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với gia đình và xã hội trong tương lai. Bên cạnh đó, có nơi đã tổ chức gặp mặt những gia đình tiêu biểu sinh con một bề...
Tuy vậy, hiện nay vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, không ít gia đình chưa hài lòng với việc sinh con một bề là gái, họ vẫn tiếp tục sinh để kiếm con trai. Điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh Đắk Lắk đang ở mức cao (năm 2018 tỷ số giới tính khi sinh là 111 bé trai/100 bé gái). Bởi vậy, đòi hỏi sự cần thiết tăng cường công tác truyền thông xóa bỏ tư tưởng cổ hủ, vận động các cặp vợ chồng thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình: “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác