Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (thứ hai từ phải qua) và ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (bìa phải) cùng các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Hưng
Chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh ngày càng cao
Sáng 26/9, tại Thanh Hóa, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Ban chỉ đạo Công tác dân số và Phát triển tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị "Tập huấn cung cấp thông tin về kiểm soát MCBGTKS cho các nhà hoạch định chính sách, đại biểu dân cử và đại diện các cơ quan quản lý, Ban, ngành, đoàn thể năm 2019".
Tham dự Hội nghị có TS Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cùng 150 đại biểu là đại diện các vụ, đơn vị liên quan trong Tổng cục Dân số, đại biểu đại diện các nhà hoạch định chính sách, đại biểu dân cử, đại diện các cơ quan quản lý, các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Thanh Hóa.
MCBGTKS đang là một trong những thách thức và hệ lụy lớn của công tác dân số ở 1 số quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, MCBGTKS có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng, 55/63 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái. Theo kết quả từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái, năm 2009 là 110,5 và đến nay tỷ số này là 114,8 bé trai/100 bé gái. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ, đồng nghĩa với việc sẽ phải nhập khẩu cô dâu.
Tình trạng MCBGTKS và bất bình đẳng giới ở nước ta có quan hệ khăng khít với nhau. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân gia tăng tình trạng MCBGTKS, ngược lại MCBGTKS sẽ làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng MCBGTKS xuất phát từ quan niệm trọng nam hơn nữ. Các quan niệm xã hội và tôn giáo đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên, con trai giúp củng cố địa vị của gia đình trong xã hội, chỉ có con trai thừa kế tài sản của cha mẹ… Các quan niệm này đã ăn sâu vào thâm căn, tiềm thức của mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng, gia đình, dòng họ.
Giải pháp then chốt là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục
Cần xóa bỏ nguyên nhân trực tiếp của tình trạng MCBGTKS - xuất phát từ quan niệm trọng nam hơn nữ. Ảnh minh họa
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số chỉ rõ: "Giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng MCBGTKS là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động thay đổi nhận thức của con người, phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong xã hội, vận động nam giới tham gia bình đẳng giới."
Đồng thời, ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh, sớm nhận thức được những hệ lụy của tình trạng MCBGTKS, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm kiểm soát tình trạng MCBGTKS như: Pháp lệnh Dân số, Luật Bình đẳng giới cũng đã quy định "Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức". Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng đã khẳng định: Giải quyết vấn đề MCBGTKS là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Doãn Tú mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ vào cuộc tích cực của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương và mọi tầng lớp nhân dân, nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới, can thiệp một cách hiệu quả góp phần kiểm soát tình trạng MCBGTKS. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ thực thi nghiêm pháp luật, nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, tư vấn, cung cấp dịch vụ lựa chọn, xác định giới tính thai nhi trong các cơ sở y tế, cộng đồng và trong toàn xã hội.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Doãn Tú cảm ơn sâu sắc và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần thiết thực vào việc thực hiện thành công Chương trình Dân số trong nhiều năm qua, lồng ghép giữa yếu tố dân số với các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển của đất nước.
Chuyển hướng từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển
Cũng tại Hội nghị, TS Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thông tin một số nội dung về quá trình phát triển, quan điểm của Đảng và được bổ sung, phát triển trong chiến lược 10 năm 2011-2020 đối với lĩnh vực dân số.
Theo đó, sau nhiều năm thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa VII) đề ra và được tiếp tục duy trì, chất lượng dân số được cải thiện rõ nét; công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về DS-KHHGĐ, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và DS-KHHGĐ được phát triển cả về chất và lượng… Chất lượng dân số được cải thiện rõ nét trên nhiều phương diện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực có bước cải thiện, góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, công tác dân số vẫn còn nhiều nội dung cần lưu ý, mức sinh và chất lượng sinh giữa các vùng còn chưa đồng đều, có sự chênh lệch đáng kể. MCBGTKS tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số… Tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chức năng, nhiệm vụ chưa được điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình dân số.
Mục tiêu tổng quát về dân số giai đoạn 2021 – 2030, yêu cầu ngành Dân số thực hiện các giải pháp toàn diện, đồng bộ để giải quyết các vấn đề quy mô dân số, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế, xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Ông Bùi Sĩ Lợi lưu ý một số vấn đề công tác dân số cần quan tâm trong thời gian tới. Đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về dân số theo hướng tiếp tục chuyển hướng từ DS - KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số một sách toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bổ dân số, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp hiệu quả.
Tại Thanh Hóa, đã duy trì mức sinh thay thế đạt được từ năm 2009 đến nay, quy mô gia đình 2 con cơ bản đã được chấp nhận. Năm 2019, ngành Y tế đang tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW về Công tác Y tế, Dân số của BCH Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII.
Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ Thanh Hóa đã tham mưu tốt cho ngành và đang tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án hoạt động trên địa bàn tỉnh. TS Nguyễn Bá Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định, sự vào cuộc của tỉnh và xác định công tác dân số nói chung, giải quyết vấn đề MCBGTKS là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, ngành đã tham mưu cho tỉnh nhiều kế hoạch, đề án nhằm MCBGTKS với nhiều hoạt động thiết thực như: Truyền thông, hội nghị, hội thảo… Rà soát, nắm chắc các đối tượng có 2 con gái, có nguy cơ sinh con thứ 3 để tuyên truyền, vận động không lựa chọn giới tính thai nhi. Tăng cường giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên y tế. Đồng thời cam kết chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Đề án Kiểm soát MCBGTKS cùng với các nhiệm vụ cho trọng tâm Dân số và Phát triển.
Ngọc Hưng
Nguồn: giadinh.net.vn