15/08/2019 12:00
Nhiều năm qua, thành phố Buôn Ma Thuột là một trong những địa phương có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất tỉnh Đắk Lắk. Trước thực tế đó, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính để sau năm 2020 đưa tỷ số này về mức cân bằng tự nhiên.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai.
Trong những năm qua, công tác Dân số-KHHGĐ ở thành phố Buôn Ma Thuột đạt nhiều kết quả quan trọng: tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là khoảng 2,1 con (đạt mức sinh thay thế). Tuy vậy, thách thức lớn nhất là tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh đang ở mức cao. Từ năm 2011 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh luôn cao hơn 115 bé trai/100 bé gái. Riêng năm 2018 là 116 bé trai/100 bé gái. Ông Nguyễn Như Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Nguyên nhân chính của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại; sự lợi dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong ngành y để lựa chọn giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, do chế độ an sinh xã hội đối với người già cũng như chính sách ưu tiên nữ giới chưa thỏa đáng...”.
Trước sự gia tăng tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, đầu năm 2017, Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Với mục tiêu sau năm 2020 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (103 – 107 bé trai/100 bé gái). Hàng năm, thành phố đã chỉ đạo cho các ban ngành, đoàn thể; xã, phường triển khai đồng bộ các hoạt động về bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ tư trưởng “trọng nam, khinh nữ”. Trong năm 2018 và 2019, UBND thành phố đã tổ chức 3 hội thảo, Hội nghị chuyên đề về Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Với sự tham gia của hàng trăm đại biểu đại diện cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, phường; ban tự quản thôn, tổ dân phố...Tại đây, ngành chức năng đã nêu lên thực trạng, nguyên nhân và hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhiều địa phương đã báo cáo tham luận, chia sẻ cách làm hay và hiệu quả trong công tác vận động Kế hoạch hóa gia và bình đẳng giới. Ông Nguyễn Trọng Hiếu – Tổ trưởng Tổ Dân phố 2, phường Thống Nhất, tp Buôn Ma Thuột cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Ban dân số phường để tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi...”. Còn bà Nguyễn Thị Sơ – Tổ trưởng Tổ dân phố 6, phường Thắng Lợi chia sẻ thêm: “Chúng tôi lồng ghép công tác bình đẳng giới vào hương ước tổ dân phố để người dân không còn tư tưởng lựa chọn giới tính thai nhi...”.
Bà Nguyễn Thị Sơ – Tổ trưởng Tổ dân phố 6, phường Thắng Lợi chia sẻ những kinh nghiệm trong truyền thông kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Bên cạnh đó trong năm 2018, Trung tâm Dân số-KHHGĐ thành phố đã tổ chức 5 buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền, vận động tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức, cá nhân trong việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, phối hợp liên ngành để kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật, ngăn chặn các hành vi phổ biến phương pháp sinh con theo ý muốn...Tại cơ sở, Ban Dân số-KHHGĐ các xã, phường triển khai nhiều hoạt động về nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là mô hình Câu lạc bộ không sinh con thứ 3, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. Cùng với đó, đội ngũ Viên chức dân số và Cộng tác viên dân số thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhóm, tư vấn hộ gia đình; cấp phát hàng nghìn tờ rơi...giúp người dân từng bước xóa bỏ tư tưởng “Trọng nam, khinh nữ”; thực hiện sinh con theo quy luật tự nhiên, không lựa chọn giới tính thai nhi...Chị Nguyễn Thị Kim Liên, xã Ea Tu cho biết: “Vợ chồng tôi quan niệm, con trai hay con gái đều quý trọng như nhau, vì thế không phân biệt hay lựa chọn giới tính thai nhi”.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên - xã Ea Tu, tp Buôn Ma Thuột chủ động tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới.
Thực tế ở thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay, việc thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính còn gặp không ít khó khăn. Nhất là một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm và chưa nhận thấy hết hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với gia đình và xã hội trong tương lai; một số ban ngành, đoàn thể tham gia còn hạn chế. Bên cạnh đó, Cộng tác viên dân số thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh...
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác