15/09/2019 12:00
Ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, tình trạng sinh đông và sinh dày vẫn còn xảy ra. Tuy ngành chức năng đã có nhiều biện pháp để vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhưng hiệu quả còn hạn chế, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao, kéo theo nhiều hệ lụy cho sự phát triển kinh tế của mỗi gia đình và địa phương.
Những đứa con của vợ chồng chị H'Em phải sống trong cảnh thiếu thốn.
Sau khi rà soát địa bàn, nhận thấy vợ chồng chị H’Em Niê ở buôn Um, xã Cư Prông, huyện Ea Kar đã sinh 2 người con, Cộng tác viên dân số của Buôn đã đến vận động kế hoạch. Tuy nhiên, khi đó vợ chồng chị H’Em không hợp tác và không lựa chọn biện pháp tránh thai. Chỉ sau khi sinh người con thứ 4, chị H’Em mới đồng ý kế hoạch. Thu nhập chính của gia đình chị là 4 sào đất rẫy trồng sắn và nửa sào đất trồng lúa. Ngoài những ngày mùa, vợ chồng chị H’Em còn phải đi làm thuê, làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống. Quanh năm, suốt tháng làm lụng cực nhọc nhưng gia đình này vẫn chưa thoát được cảnh hộ nghèo từ nhiều năm nay. Đáng lo hơn cả, những đứa trẻ trong gia đình này lớn dần lên trong sự thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Chị H’Em Niê cho biết: “Do sinh đông con nên nhà khó khăn lắm, hai vợ chồng đi làm thuê suốt nhưng cũng không đủ tiền để mua gạo, mua sữa cho con. Biết vậy thì kế hoạch hóa gia đình từ trước...”.
Mặc dù được cán bộ dân số vận động
nhưng vợ chồng chị Hoàng Thị Bạch vẫn chưa sử dụng biện pháp tránh thai.
Còn chị Hoàng Thị Bạch ở thôn 11, xã Cư Prông sau khi lấy chồng đã lần lượt sinh 3 người con. Tuy nhiên, số con có thể sẽ tăng lên vì hiện tại vợ chồng chị chưa sử dụng biện pháp tránh thai nào. Mặc dù cán bộ dân số đã đến tư vấn, vận động nhưng chưa làm thay đổi được hành suy nghĩ và hành vi của họ. Giống như nhiều gia đình nơi đây, hàng ngày chị Bạch và chồng là anh Mã Văn Ninh phải đi làm thuê, cuốc mướn hay bốc vác, phụ hồ...Người con đầu của họ năm nay mới 15 tuổi đã nghỉ học để theo bố mẹ lên nương, lên rẫy. Nếu họ tiếp tục đẻ thì tương lai của những đứa trẻ trong gia đình này phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách. Và như thế, chưa biết khi nào gia đình này thoát khỏi được vòng luẩn quẩn của cái nghèo. Anh Mã Văn Ninh cho biết: “Nhà nghèo nên nên ai thuê gì thì làm nấy, nhà không có tiền nên con phải nghỉ học sớm để đi làm cho đỡ khổ...”.
Cư Prông là xã vùng 3 thuộc huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Toàn xã hiện có gần 5.000 nhân khẩu với 7 dân tộc anh em chung sống (chiếm 75% dân số). Việc tuyên truyền chính sách đến với người dân còn hạn chế. Một số thôn, buôn còn duy trì tập tục lạc hậu, trình độ nhận thức của Nhân dân không đồng đều, vẫn còn tư tưởng “sinh đông con để sau này có người làm việc”, “trọng nam khinh nữ”... Bên cạnh đó, xã có địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, địa hình phức tạp...gây khó khăn trong việc đi lại, quản lý đối tượng và tuyên truyền, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Do vậy, tình trạng sinh đông con và sinh dày vẫn còn xảy ra. Từ năm 2018 đến nay, đã có 16 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Không những vậy, toàn xã hiện vẫn còn 225 cặp vợ chồng chưa sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó có nhiều cặp đã sinh 2 người con. Một thực tế đáng buồn là đa số những hộ gia đình đông con đều thuộc hộ nghèo, xã phải lập danh sách để Nhà nước hỗ trợ. Chị Lê Thị Hoa – Viên chức Dân số-KHHGĐ xã Cư Prông cho biết “Công tác tuyên truyền vận động kế hoạch hóa gia đình còn khó khăn, nhất là ý thức của người dân còn hạn chế...phải đi nhiều lần vận động họ mới chịu áp dụng biện pháp tránh thai”.
Do bố mẹ sinh đông nên nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa lớn dần lên trong cảnh thiếu thốn.
Không riêng gì ở xã Cư Prông, huyện Ea Kar mà nhiều xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, hàng năm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn xảy ra. Thậm chí, có nơi tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm hơn 20% tổng số trẻ được sinh ra. Những năm qua, từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường công tác truyền thông, triển khai cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đến vùng đông dân có mức sinh cao và vùng khó khăn... nhằm vận động, thuyết phục người dân hạn chế sinh con thứ 3 và nâng cao chất lượng dân số…
Tuy vậy, để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Đắk Lắk không phải là chuyện “một sớm, một chiều” mà cả một chặng đường dài. Vì việc sinh nhiều con là tập quán, quan niệm từ bao đời nay của người dân, nó là gánh nặng cho gia đình và kìm hãm sự phát triển của địa phương. Do đó, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành và đoàn thể để vận động kế hoạch hóa gia đình nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác