Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 chỉ rõ, cần duy trì mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng. Ảnh minh họa
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Năm 2018, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Hàn Quốc là 0,98. Đây là mức thấp nhất trên thế giới, đồng nghĩa với việc Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên có mức TFR thấp hơn 1,0 (trung bình mỗi phụ nữ tại Hàn Quốc chưa sinh đến 1 con). GS Youngtae Cho (Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc) cho biết, dự kiến trong năm 2019, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc chỉ rơi vào khoảng 0,88 con, thấp hơn năm 2018. Đây là thực tế rất đáng lo ngại.
Nguyên nhân là do áp lực dân số từ thế hệ đi trước trong việc sinh ít con cùng với tình trạng giới trẻ Hàn Quốc hiện tại có xu hướng kết hôn muộn để tập trung phát triển, xây dựng sự nghiệp tại các thành phố, đô thị lớn cũng khiến họ sinh ít hoặc trì hoãn việc sinh con. Bên cạnh đó, tác động của chính sách can thiệp tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hàn Quốc những năm 1990 của thế kỷ trước cũng khiến mức sinh bị giảm xuống.
Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, theo GS Youngtae Cho, vào những năm 1980-1990, Hàn Quốc đã thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, nhưng có một số vấn đề bị xem nhẹ. Cụ thể, vào năm 1983, Hàn Quốc đạt mức sinh thay thế 2,1 con, lẽ ra lúc này nên dừng việc kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn tiếp tục, điều này dẫn đến việc thay vì đẻ 2 con, người Hàn Quốc chỉ đẻ 1 con.
Bên cạnh đó, năm 1988, Hàn Quốc có 600.000 trẻ em được ra đời nhưng tỷ lệ giới tính không cân bằng, chỉ có 250 nghìn bé gái ra đời. Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh từ 30 năm về trước đã khiến số trẻ em sinh ra hiện nay tại Hàn Quốc bị giảm mạnh.
GS Youngtae Cho cho biết thêm, một vấn đề nữa ảnh hưởng đến mức sinh tại Hàn Quốc là chưa dự đoán được vấn đề di cư. Theo quy luật tất yếu, khi quốc gia phát triển, con người sẽ có xu hướng muốn đến nơi đô thị đông đúc để sinh sống. Hàn Quốc cũng không ngoại lệ. Nếu như giai đoạn 1980-1990, mỗi gia đình chỉ có một người di cư từ nông thôn đến Thủ đô Seoul thì đến những năm 2000, nhiều gia đình tất cả các thành viên đã chuyển đến thành phố này sinh sống. Trong khi đó, chính sách dân số của Hàn Quốc vẫn chỉ tập trung vào sinh sản mà "bỏ quên" vấn đề phân bố dân số.
Một điều khiến vị chuyên gia về dân số này lo ngại là dự báo đến năm 2020, dân số Hàn Quốc chỉ còn 50 triệu người và đến năm 2100, con số này chỉ còn18 triệu người. Điều đáng nói là trong số 18 triệu người đó có đến 16 triệu người sống ở Seoul và các vùng lân cận. Theo Youngtae Cho, việc thay đổi thực tế đó là rất khó vì các chính sách đã muộn.
Trong thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã chi một nguồn ngân sách không nhỏ để khuyến sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh vẫn rất thấp, khiến đất nước đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
Duy trì mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng
GS Yongtae Cho, Đại học Seoul Hàn Quốc. Ảnh: Chí Cường
Tại Việt Nam, xét trên phạm vi toàn quốc, chúng ta đã đạt mức sinh thay thế và duy trì liên tục trong suốt hơn 1 thập kỷ qua. Tuy nhiên, mức sinh không đồng đều giữa các vùng, khu vực, điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế.
Chẳng hạn, các tỉnh phía Nam, mức sinh có xu hướng liên tục giảm, một số tỉnh giảm xuống mức rất thấp, điển hình là TPHCM (1,33 con). Ngược lại, nhiều tỉnh phía Bắc mức sinh không ổn định, một số tỉnh đã tăng cao trở lại (trên 2,5 con). Bên cạnh đó, hiện vẫn còn 4/6 vùng kinh tế - xã hội chưa đạt được mức sinh thay thế, có nơi rất cao, quy mô dân số tiếp tục tăng nhanh. Trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế.
Theo GS Youngtae Cho, thực trạng của Việt Nam gần giống với Hàn Quốc những năm về trước. Theo vị chuyên gia này, để tránh rơi vào tình cảnh mức sinh "lao dốc" gây hậu quả nặng nề về sau, Việt Nam nên đặt ra những mục tiêu, chính sách dân số điều chỉnh mức sinh ngay từ bây giờ. "Việt Nam vẫn còn cơ hội để kế hoạch hóa dân số đến năm 2100", GS Youngtae Cho nhận định.
Các nhà nhân khẩu học nhận định, mức sinh thấp và kéo dài trong thời gian dài sẽ dẫn đến sự thiếu hụt lực lượng lao động, khiến cho các quốc gia phải phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư để thúc đẩy sản xuất, vận hành nền kinh tế.
Theo GS Youngtae Cho, để giúp duy trì mức sinh thay thế, tránh mức sinh xuống thấp, Việt Nam nên làm mới ngay từ hệ thống chuyên gia về dân số. Hiện nay, các chuyên gia chủ yếu là về kế hoạch hóa gia đình, cần đào tạo thành chuyên gia kế hoạch hóa dân số. GS Youngtae Cho cho biết, hiện tại, một nhóm chuyên trách đang được lập ra bao gồm các chuyên gia Việt Nam và Đại học Seoul Hàn Quốc để cùng thiết lập một hướng đi mới cho dân số Việt Nam trong vòng 3 năm tới.
"Nhóm chuyên trách này không phải để kế hoạch hóa gia đình mà để kế hoạch hóa dân số. Đó chính là thay đổi mục tiêu kế hoạch hóa gia đình. Trong đó bao hàm cả việc làm thế nào để phân bố dân số đồng đều và để chất lượng dân số đạt tốt nhất. Dân số ngày hôm nay quyết định đến tương lai của con em chúng ta trong 30 năm nữa. Dân số sau 30 năm nữa quyết định tương lai 100 năm sau nữa", GS Youngtae nói.
Do đó, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho Việt Nam là cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giữ mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực và không để mức sinh "tụt" quá thấp, nhất là ở các tỉnh/thành đang có mức sinh thấp và có xu hướng tiếp tục giảm sinh. Đây cũng là mục tiêu quan trọng được nêu trong Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trong bối cảnh mức sinh không đồng đều giữa các vùng trên cả nước, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, hiện tại, Tổng cục Dân số đang khẩn trương hoàn thiện Đề án điều chỉnh mức sinh giữa các vùng. Nội dung Đề án sẽ tập trung vào việc khuyến sinh ở vùng có mức sinh thấp; tiếp tục vận động giảm sinh ở nơi có mức sinh cao và thực hiện duy trì mức sinh ở những địa phương đã đạt mức sinh thay thế. Theo đó, đối tượng, quá trình thực hiện điều chỉnh như thế nào sẽ được đề cập cụ thể trong Đề án này.
Mai Thùy