25/11/2019 09:28
Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2015 đến 2018 toàn tỉnh có 2.335 trường hợp tảo hôn và 21 trường hợp kết hôn cận huyết thống. Trong đó, năm 2015: 811 cặp tảo hôn, 5 cặp kết hôn cận huyết thống; còn năm 2018: 285 cặp tảo hôn, 7 cặp kết hôn cận huyết thống.
Tình trạng tảo hôn xảy ra nhiều ở vùng sâu, vùng xa.
Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn do những tập tục lâu đời của dân tộc, địa phương. Theo phong tục của người M’nông, Ê Đê con cô con cậu được phép lấy nhau. Thậm chí con trai của cậu lấy con gái của cô được coi là điều tốt. Người cô khi gả con trước hết phải gả cho con cậu. Khác hệ dòng “Họ” thì người đàn ông hệ dòng bên này có thể kết hôn với đàn bà hệ dòng bên kia.
Theo tập quán mẫu hệ, nữ giới ở tuổi 15-16 có thể lựa chọn cho mình người chồng tương lai. Họ thường căn cứ vào hình dáng bề ngoài, sức khỏe và khả năng làm vợ của người thiếu nữ ở độ tuổi dậy thì, không căn cứ vào tuổi tác. Nếu quá độ tuổi theo tập quán quy định chưa thành đôi lứa sẽ khó lấy chồng, thậm chí không lấy được chồng. Vì vậy tình trạng kết hôn sớm và tảo hôn vẫn xảy ra tại các buôn làng. Bên cạnh đó tại những vùng điều kiện kinh tế phát triển, hệ thống thông tin đại chúng đến tận hộ gia đình nhưng điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhu cầu giao lưu văn hóa thể dục, thể thao của vị thành niên và thanh niên không được đáp ứng, ảnh hưởng đến tình trạng kết hôn sớm trong cộng đồng.
Nhiều gia đình muốn con lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm người làm việc.
Do trình độ dân trí thấp, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất tự cung tự cấp là chủ yếu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, chưa giải phóng được sức lao động nên việc tảo hôn, sinh sớm, sinh nhiều con vẫn là một nhu cầu, mong muốn của người dân để có thêm nguồn nhân lực lao động của gia đình.
Các yếu tố về giáo dục, thực thi pháp Luật, đăng ký kết hôn chưa được tuyên tuyền sâu rộng trong dân. Hơn nữa mặt dù chưa được đăng ký kết hôn nhưng những người tảo hôn và kết hôn cận huyết thống họ vẫn chung sống với nhau thành vợ chồng.
Điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tại chỗ chưa đáp ứng nhu cầu của người dân về các vấn đề giáo dục, học tập, văn hóa thông tin thể thao... nên việc tiếp cận, hiểu biết, thực thi pháp luật và Chính sách DS-KHHGĐ còn nhiều hạn chế.
Nhận thức, quan niệm, niềm tin, phong tục tập quán lạc hậu của những người đi trước đã từng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tác động đến những người thân của họ và không dễ thay đổi trong thời gian ngắn vì đã ăn sâu trong mỗi con người, dòng tộc.
Những vùng điều kiện kinh tế xã hội phát triển tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra do việc chỉ đạo, tuyên truyền vận động, kiểm tra xử lý về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của lãnh đạo đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, tổ chức đoàn thể các cấp chưa triệt để.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác