30/06/2020 05:00
Qua gần 05 năm (2016-2020) triển khai thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, hiện nay tỷ số giới tính khi sinh ở huyện Cư M’gar là 105 nam/100 nữ (nằm ở mức bình thường cho phép là 103-107nam/100 nữ).
Một buổi nói chuyện về Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh ở huyện Cư M'gar.
Ảnh: Võ Thảo.
Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, sự đồng tình ủng hộ của người dân trên địa bàn huyện. Trong đó việc tuyên truyền Luật bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh luôn được chú trọng. Về công tác chỉ đạo điều hành, Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar đã ban hành kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 01/3/2017 về “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện CưM’gar giai đoạn 2016 – 2020”. Hàng năm ngành y tế huyện đều xây dựng kế hoạch truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, hướng dẫn Ban dân số xã, thị trấn tổ chức thực hiện.
Các hoạt động truyền thông được triển khai với phương châm “đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức”. Trước hết là tuyên truyền qua hệ thống Đài truyền thanh huyện, xã với 88 tin bài, phát thanh gần 890 lần. Tổ chức 68 buổi nói chuyện chuyên đề tại các thôn, buôn, tổ dân phố với trên 6.700 đối tượng tham gia. Mở 5 lớp tập huấn kiến thức về mất cân bằng giới tính khi sinh cho Cộng tác viên dân số tại cơ sở; tổ chức sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ về dân số được trên 700 buổi với 16.486 đối tượng tham gia; cung cấp trên 63.000 tờ rơi, băng rôn, áp phích truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn toàn huyện.
Tuy nhiên, hiện nay ở huyện Cư M’gar vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh do vẫn tồn tại tâm lý thích sinh con trai để nối dỗi tông đường, thờ cúng tổ tiên, chăm sóc phụng dưỡng lúc về già…Đòi hỏi trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dân số và phát triển, nhất là bình đẳng giới, phát huy vai trò, giá trị của phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, đa dạng hóa các loại hình truyền thông trong đó mở rộng tuyên truyền trên mạng xã hội (Facebook và Zalo), để kịp thời thông tin đến người dân.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần làm tốt công tác phối hợp kiểm tra định kỳ các cơ sở kinh doanh các loại ấn phẩm, sản phẩm truyền thông, các cơ sở thực hiện dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Góp phần từng bước hạn chế tình trạng nạo phá thai vì lựa chọn giới tính, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái./.
Đình Quân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác