30/03/2020 05:35
Trong những năm gần đây, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng triển khai các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã và đang triển khai sâu rộng, nhằm giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường và đem lại niềm vui hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng.
Người dân chủ động tham gia sàng lọc trước sinh.
Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán, xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi như: hội chứng down, dị tật ống thần kinh...Còn sàng lọc sơ sinh là biện pháp dự phòng hiện tại, dùng kỹ thuật y khoa nhằm tìm kiếm để phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ chào đời, cho phép phát hiện một số bệnh, tật bẩm sinh như: suy giáp bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD...Thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh là phương pháp giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm thiểu dị tật trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Trước đây, khi sinh người con đầu, chị Nguyễn Thị Tươi ở xã Cư Né, huyện Krông Búk không có điều kiện để sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho con. Tuy nhiên, khi mang thai người con thứ hai, được cán bộ dân số tư vấn nên chị Tươi đã hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của việc khám sàng lọc. Do vậy, trong quá trình mang thai, chị đi khám thai đều đặn và thực hiện sàng lọc trước sinh. Đồng thời, sau khi sinh 48 giờ, chị cho con của mình được sàng lọc sơ sinh. Hàng ngày, chứng kiến đứa con lớn lên phát triển bình thường đó là niềm hạnh phúc nhất đối với gia đình chị Tươi. Chị Tươi cho biết: “Tôi tham gia khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh để biết được sức khỏe cho con của mình. Thấy con lớn lên phát triển khỏe mạnh đó là niềm hạnh phúc nhất”. Còn chị Trần Thị Hương Lành ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin đang mang thai lần đầu tiên. Vì thế, chị không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng trong quá trình chăm sóc thai nhi và nuôi con nhỏ sau này. Hiểu được tâm lý của chị Lành, cán bộ dân số địa phương đã kịp thời tư vấn về cách làm mẹ an toàn, đặc biệt là lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh...Nhờ vậy, chị Lành hiểu biết nhiều kiến thức và yên tâm hơn trong hành trình chăm sóc, nuôi dưỡng thai nhi để con của mình được sinh ra phát triển bình thường. Chị Lành cho biết:“Tôi đã sàng lọc trước sinh rồi và sẽ làm sàng lọc sơ sinh để biết được tình trạng sức khỏe cho con của mình...”.
Trong những năm gần đây, Sở Y tế Đắk Lắk đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện đảm bảo đạt chỉ tiêu về sàng lọc. Đồng thời, giao cho Chi cục Dân số-KHHGĐ phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sơ sinh, sau đó gửi mẫu về Bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) để xét nghiệm và xác định kết quả. Cụ thể, trong năm 2019, số bà mẹ mang thai tham gia sàng lọc trước sinh là gần 16.400 người (đạt hơn 210% so với kế hoạch được giao); 9.400 trẻ được sàng lọc sơ sinh (đạt gần 114% kế hoạch được giao). Những ca nghi ngờ mắc bệnh đã được tư vấn, giới thiệu cho gia đình khám và hướng dẫn điều trị kịp thời.
Lớp tập huấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Bên cạnh đó, Chi cục Dân số-KHHGĐ đình đã phối hợp tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân cho 83 cán bộ y tế; tổ chức tập huấn kiến thức, phương pháp truyền thông về tầm soát dị tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số cho 732 Cộng tác viên dân số của 15 huyện, thị và thành phố; cấp phát 350.000 tờ rơi tuyên truyền...Thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 25/10/2017 của ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, năm 2020, các hoạt động về nâng cao chất lượng dân số ở tỉnh Đắk Lắk tiếp tục được triển khai, trong đó Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh được các địa phương chú trọng. Bà Nguyễn Thị Giang – Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin: “ Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai sâu rộng đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh...nhằm cải thiện giống nòi và nâng cao chất lượng dân số”.
Trong thời gian tới, để Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đạt hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống đòi hỏi ngành Y tế ở Đắk Lắk làm tốt công tác tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị y tế triển khai và quản lý tốt đối tượng; tăng cường xã hội hóa dịch vụ để phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được sàng lọc nhiều hơn...Bên cạnh đó, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp, các ngành, nhất là người dân cần nâng cao nhận thức và chủ động thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số./.
Dương Thị Liên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác