02/07/2020 04:31
Hiện nay, hình thái lây truyền HIV đã có sự thay đổi theo hướng dịch chuyển từ nam sang nữ. Theo thống kê, nữ giới nhiễm HIV qua con đường tình dục chiếm 50% tổng số ca mắc. Nữ giới nhiễm HIV đồng nghĩa với việc nhiều phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra có nguy cơ nhiễm HIV.
Trên thực tế, phụ nữ luôn đối mặt với nguy cơ: chồng hoặc bạn tình họ có những hành vi nguy cơ ngoài xã hội như tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm bị nhiễm HIV rồi lây truyền sang...
Hiện nay, rất nhiều phụ nữ, trẻ em gái chưa được tiếp cận với các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khả năng dự phòng giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con còn thấp do mức độ bao phủ xét nghiệm còn hạn chế. Nhiều phụ nữ mang thai không đi xét nghiệm HIV hoặc xét nghiệm muộn do nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, từ đó làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bên cạnh đó, một số bà mẹ nhiễm HIV sau sinh không tiếp tục đến cơ sở y tế để điều trị dẫn đến tình trạng mất dấu sau sinh, gây khó khăn trong theo dõi tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ.
Xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.
Qua nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, trên 100 bà mẹ mang thai có HIV (không được can thiệp) cho thấy có 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, 17 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn chuyển dạ và 10 trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn bú mẹ. Điều này có nghĩa, cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thì có khoảng 36 trẻ bị lây nhiễm, tức tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 25 - 40%.
Có thể nói, xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang thai là cách tốt nhất để phát hiện sớm nhiễm HIV/AIDS. Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, thai phụ và em bé sẽ được điều trị để giúp duy trì sức khỏe của mẹ và thai nhi, cũng như làm giảm đáng kể nguy cơ em bé nhiễm HIV.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột, các trung tâm y tế huyện, thành phố đều triển khai hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Đến với các cơ sở này, thai phụ nhiễm HIV/AIDS được tư vấn hướng dẫn chăm sóc thai, điều trị dự phòng cho mẹ và dự phòng cho con sau sinh. Thai phụ nhiễm HIV cần được theo dõi thể trạng và thông tin điều trị HIV/AIDS. Những trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV sẽ được bác sĩ giới thiệu đến các cơ sở y tế chuyên khoa chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để khám và đánh giá tình trạng bệnh, xác định xem có cần điều trị bệnh cho bản thân hay không. Nếu cần điều trị, các bác sĩ sẽ tư vấn, cấp thuốc và theo dõi quá trình điều trị. Các loại thuốc điều trị này cũng có tác dụng giảm lây truyền HIV sang con và thai phụ khi đó không cần dùng thuốc riêng để phòng lây nhiễm HIV cho con của mình nữa. Nếu thai phụ được chẩn đoán không cần điều trị cho bản thân, bác sĩ sản khoa sẽ khám và cấp thuốc kháng HIV cho họ để sử dụng với mục đích giảm khả năng lây truyền HIV cho thai nhi. Đồng thời những phụ nữ này sẽ được hẹn khám và tiếp tục cấp thuốc kháng HIV để sử dụng cho đến khi sinh con.
Nhằm hạn chế việc lây truyền HIV từ mẹ sang con, hằng năm Cục Phòng, chống HIV/AIDS đều tổ chức Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với các hoạt động: truyền thông về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm, điều trị dự phòng HIV cho phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu của thai kỳ. Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020 diễn ra từ ngày 1-6 đến ngày 30-6-2020 với chủ đề “Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - Sức khỏe cho con”.
Nguyễn Công Thành
Nguồn: baodaklak.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác