Có lẽ phần lớn người dân Việt Nam rất quen thuộc với câu nói: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", tức là 10 đứa con gái không bằng 1 đứa con trai. Và chính những định kiến giới này là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh GTKS.
Nhiều người vẫn thích phải có con trai để "nối dõi tông đường". Ảnh minh hoạ
Mặc dù pháp luật quy định con cái khi sinh ra đều có thể mang họ cha hoặc họ mẹ, con trai và con gái đều được hưởng quyền thừa kế như nhau từ tài sản của cha mẹ, vợ và chồng đều đứng tên ở trên sổ đỏ, con trai và con gái đều có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già...
Tuy nhiên trong thực tế, vì định kiến giới như đã nêu ở trên thì phần lớn con cái sinh ra đều mang họ cha, vì vậy mọi người vẫn thích phải có con trai vì cho rằng "chỉ có con trai mới có thể nối dõi tông đường".
"Định kiến giới là các suy nghĩ, quan niệm thiên lệch về giới mà nó gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và trong xã hội. Ví dụ những quan niệm cho rằng, chỉ có đàn ông thì mới có khả năng làm chủ gia đình và có khả năng làm lãnh đạo. Hoặc vị trí của người phụ nữ là làm các công việc nội trợ, chăm sóc con cái, phụ nữ thì không thể làm một người lãnh đạo tốt..."
Bà Hà Thị Quỳnh Anh
Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia giới và nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc chia sẻ: Nhiều nam giới ở cộng đồng khi được hỏi đã cho rằng không có con trai đời họ rất là ngắn. Đồng thời cũng vì quan niệm và định kiến về giới là sau khi kết hôn con gái phải về sinh sống và chăm lo cho gia đình nhà chồng (dâu con, rể khách) cho nên con gái thường không được hưởng phần thừa kế từ cha mẹ và việc chăm sóc cha mẹ già và việc thờ cúng tổ tiên vẫn được coi là công việc của nam giới".
Chính những tư tưởng như vậy đã làm cho mọi người phải cố gắng để có bằng được con trai. Bà Quỳnh Anh cho biết thêm: Những nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã cho thấy, mặc dù mọi người biết việc lựa chọn giới tính khi sinh là vi phạm pháp luật nhưng có đến 80% nam giới được hỏi vẫn trả lời rằng, đối với họ việc ít nhất phải có một đứa con trai là rất quan trọng.
Quan niệm thiên lệch về giới gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và trong xã hội. Ảnh minh hoạ
Ngoài áp lực từ gia đình và dòng họ thì chính bản thân những người nam giới còn bị áp lực từ cộng đồng. Chúng ta cũng không xa lạ với hình ảnh khi những người đàn ông không có con trai thì phải ngồi mâm dưới trong những bữa tiệc của cộng đồng vì được coi là "yếu" hay "đàn ông mặc váy".
Trên thực tế có rất nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề "trọng nam khinh nữ". Chẳng hạn như phân biệt, đối xử giới tính trong tuyển dụng lao động. Có những đơn vị tuyển dụng còn yêu cầu lao động nữ ký thêm một phụ lục trong hợp đồng lao động về việc chưa mang thai trong thời gian ít nhất 2 năm đầu làm việc.
Để ứng phó với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam, Bà Hà Thị Quỳnh Anh cho hay, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã đề xuất những khuyến nghị như sau:
- Tiếp tục các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi các quan niệm xã hội về giới như ưa thích con trai và hành vi lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Đặc biệt, cần tập trung vào giới trẻ, nam giới và trẻ em trai, thúc đẩy các hình ảnh nam tính tích cực.
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường việc thực thi các chính sách đảm bảo quyền thừa kế, quyền về đất đai của phụ nữ và trẻ em gái.
- Rà soát các mô hình can thiệp để rút ra những bài học tốt, đồng thời cũng học hỏi được các kinh nghiệm quốc tế để thiết kế các chương trình can thiệp hiệu quả.
- Tăng cường điều phối, phối hợp giữa các cơ quan liên quan vì không một cơ quan riêng lẻ nào có thể giải quyết được vấn đề này, cần có một cách tiếp cận đa ngành.
- Tăng cường hệ thống thu thập số liệu, giám sát đánh giá, đặc biệt là giám sát xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh để có những cảnh báo kịp thời.
H.Anh
Nguồn: giadinh.net.vn