12/07/2020 06:31
Thời gian qua, với việc triển khai Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, nhiều người dân trên địa bàn xã Cư Ni, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã được tuyên truyền, phổ biến và tiếp cận với các thông tin, dịch vụ về tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Kể từ năm 2015, Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” được nhân rộng triển khai thực hiện ở tất cả các địa phương ở tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, người dân ở thành thị cũng như nông thôn đều có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ về sàng lọc.
Quy trình sàng lọc trước sinh được thực hiện bằng các xét nghiệm máu hoặc lấy bệnh phẩm từ thai nhi và siêu âm cho phụ nữ mang thai giúp phát hiện sớm các bệnh down, rối loạn di truyền, dị tật ống thần kinh, khuyết tật về tim...Còn quy trình sàng lọc sơ sinh được thực hiện bằng cách lấy máu gót chân của trẻ trong vòng 24 - 48 giờ sau khi trẻ sinh ra, để phát hiện các bệnh: Thiếu men G6PD gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động; suy tuyến giáp trạng bẩm sinh…
Một em bé được sàng lọc sơ sinh và phát triển khỏe mạnh.
Tại xã Cư Ni, huyện Ea Kar, để giúp người dân tiếp cận với các thông tin cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Ban Dân số-KHHGĐ đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn với nhiều hình thức phong phú. Đối tượng được tuyên truyền là tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; trong đó chú trọng đến phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên, thai phụ có tiền sử sảy thai tự nhiên, tiền sử gia đình có người mắc các dị tật hoặc bệnh di truyền...Chị Lại Thị Mai – Viên chức dân số xã Cư Ni cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức tư vấn hộ gia đình để người dân hiểu được lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh...”.
Nhờ được cán bộ dân số tư vấn, vận động nên nhiều người dân đã tham gia thực hiện sàng lọc trước sinh. Điển hình như chị H’Luynh Niê ở buôn Ea Knôp, xã Cư Ni. Khi mang thai ở tuần thứ 12, chị đã tham gia thực hiện sàng lọc trước sinh bằng biện pháp siêu âm đo độ mờ da gáy. Qua đó, bác sỹ khảo sát về bất thường nhiễm sắc thể, có thể liên quan đến các bệnh nghiêm trọng như: Dị dạng tim, dị dạng chi, hội chứng Down...Kết quả xét nghiệm thai nhi phát triển khỏe mạnh bình thường đó là điều chị H’Luynh hạnh phúc nhất.
Còn chị H’Gen Niê cũng ở buôn Ea Knuôp,xã Cư Ni, huyện Ea Kar. Trong quá trình mang thai đều thực hiện khám thai đầy đủ theo sự tư vấn của cán bộ dân số. Đồng thời tham gia thực hiện sàng lọc trước sinh để biết được tình trạng phát triển của thai nhi. Không những vậy, sau khi sinh ở Trung tâm Y tế huyện Ea Kar, gia đình chị H’Gen đồng tình cho bác sỹ thực hiện sàng lọc sơ sinh cho con của mình. Hạnh phúc nhất của chị là người con mình sinh ra phát triển bình thường; không bị bệnh, tật bẩm sinh.
Cán bộ dân số tư vấn cho người dân về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Thực tế ở xã Cư Ni cho thấy, Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Năm 2019, huyện Ea Kar có 791 trường hợp được sàng lọc trước sinh, trong đó xã Cư Ni có 154 trường hợp; 625 em bé được sàng lọc sơ sinh, trong đó xã Cư Ni có 91 bé. Tuy vậy, việc triển khai Đề án còn gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn nhân lực chuyên khoa về khám sàng lọc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại; một bộ phận Nhân dân vẫn chưa hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh...
Để thực hiện hiệu quả Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Ban Dân số-KHHGĐ xã Cư Ni đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó, trọng tâm vẫn là công tác truyền thông, tư vấn tại cộng đồng. Các hình thức truyền thông sẽ được thực hiện một cách đa dạng, linh hoạt như tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp, phát tờ rơi, phát thanh… để người dân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ biết và chủ động tham gia thực hiện khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh...
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác