17/08/2020 04:55
Tình trạng tảo hôn đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước thực tế đó, các cấp, các ngành đã và đang triển khai đồng bộ nhiều hoạt động truyền thông nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn.
Tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra ở vùng sâu, vùng xa.
Theo số liệu thống kê từ năm 2015-2019, tỉnh Đắk Lắk có đến 2.630 trường hợp tảo hôn. Tình trạng này xảy ra ở tất các các huyện, thị xã và thành phố, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tảo hôn đã chấm dứt mọi cơ hội được chăm sóc, học tập của trẻ em. Nhất là trẻ em gái phải đối mặt với nhiều thách thức như sảy thai, sinh non, tai biến sản khoa...Nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng tảo hôn là do vẫn còn tồn tại một số quan cổ hủ như: “dựng vợ gả chồng” sớm để có lao động làm việc; nam, nữ ở tuổi 15-16 có thể lấy vợ, lấy chồng, nếu để đến nữ đủ 18 tuổi và nam đủ 20 tuổi thì họ sợ già không ai muốn lấy.
Nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn, những năm gần đây, từ tỉnh đến cơ sở ở Đắk Lắk đã tăng cường các hoạt động truyền thông với phương châm “đa dạng nội dung và phong phú hình thức”. Ngành chức năng đã thực hiện việc treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích; tuyên truyền trên loa truyền thanh về các chủ trương, chính sách dân số, Luật Hôn nhân và gia đình...Đồng thời, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số thường xuyên đến từng nhà, chú trọng những gia đình có con em trong độ tuổi vị thành niên để tư vấn, vận động không tảo hôn.
Truyền thông về hệ lụy của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Song song với đó là việc tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về hệ lụy của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đối với sức khỏe của trẻ em gái và chất lượng giống nòi...Từ đó làm thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là những nơi có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống cao. Ông Nguyễn Duy Lợi – Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar cho biết: “Chúng tôi chú trọng truyền thông giảm tình trạng tảo hôn ở vùng sâu, vùng xa và lồng ghép vận động kế hoạch hóa gia đình để nâng cao đời sống”.
Không chỉ chú trọng tuyên truyền trong cộng đồng xã, khu dân cư, công tác truyền thông trong môi trường học đường, nhất là ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Thông qua hướng dẫn của những người làm công tác dân số, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, nhiều đơn vị trường tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh tìm hiểu về giới tính, giúp học sinh nâng cao nhận thức, có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như những điều nên tránh ở tuổi vị thành niên.
Thực hiện mục tiêu giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cũng có nhiều hoạt động tích cực, nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả Ðề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Bên cạnh việc hướng dẫn tổ chức, thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho một số xã theo Ðề án, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, UBND cấp xã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân ở các địa phương có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện Ea Súp, Cư M’gar, Ea H’leo...thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung về việc cung cấp thông tin pháp luật về dân số, xử lý vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình tới người dân.
Vận động người dân thực hiện tốt Luật hôn nhân và gia đình.
Ông Y Ngót Ksơr – Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Ea H’leo cho biết “Giảm tình trạng tảo hôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không phải là chuyện một sớm một chiều vì nó liên quan đến phong tục tập quán. Bởi vậy, chúng tôi xác định công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, với phương châm “mưa dầm thấm lâu” nhằm nâng cao ý thức và hành vi của người dân về thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình”.
Thiết nghĩ, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng thì sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, chính quyền địa phương sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Từ đó sẽ từng bước đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần cải thiện giống nòi và nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Dương Thị Liên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác