28/08/2020 03:03
Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số bé trai sinh ra sống trên 100 bé gái sinh ra sống. Theo các chuyên gia về dân số: Tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường từ 103-107 bé trai/100 bé gái. Tuy vậy, trong những năm gần đây, ở Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tương đối nghiêm trọng. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy thừa nam, thiếu nữ và tác động tiêu cực đến đời sống xã hội trong tương lai.
Tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh luôn ở mức báo động. Năm 2016 là 119 bé trai/100 bé gái; năm 2017 là 117 bé trai/100 bé gái, năm 2018 là 116 bé trai/100 bé gái;năm 2019 là 114,9 bé trai/100 bé gái. Còn ở huyện Ea H’leo, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh năm 2016 là 119,3 bé trai/100 bé gái; còn năm 2019 là 110,5 bé trai/100 bé gái. Do tư tưởng truyền thống và quan niệm lạc hậu còn tồn tại, đã làm cho nhiều cặp vợ chồng khao khát có con trai và càng nhiều con trai càng tốt. Có câu: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” với ý nghĩa là “Một con trai thì là có nhưng mười con gái vẫn là không có”, đã phần nào phản ánh đúng suy nghĩ của nhiều người dân nơi đây.
Một lớp học có phần lớn học sinh nam.
Thực tế ở tỉnh Đắk Lắk cho thấy, không riêng gì thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Ea H’leo, hiện nay đã có 9/15 địa phương có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh từ 109 bé trai/100 bé gái trở lên. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh ta diễn ra khá nghiêm trọng qua các năm: Năm 2016 là 119,5 bé trai/100 bé gái; năm 2017 là 108,8 bé trai/100 bé gái; năm 2018 là 110,3 bé trai/100 bé gái và năm 2019 là 110,1 bé trai/100 bé gái.
Nguyên nhân trực tiếp của mất cân bằng giới tính khi sinh là do việc lạm dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật để siêu âm, nạo phá thai với mục đích lựa chọn giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, do bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại; tư tưởng trọng nam khinh nữ, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, tạo nguồn thu nhập chính trong gia đình và chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ khi tuổi già... Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến hệ lụy thừa nam, thiếu nữ và tác động tiêu cực đến đời sống xã hội trong tương lai. Các chuyên gia về dân số đã dự báo: Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Việc thừa nam, thiếu nữ sẽ dẫn đến gia tăng tình tệ nạn xã hội; buôn bán phụ nữ và trẻ em gái; lạm dụng tình dục và bạo lực gia đình...”.
Có thể nói, hậu quả của Mất cân bằng giới tính khi sinh không phải “ngày một, ngày hai” mà khoảng 20-30 năm nữa mới xảy ra. Trong khi đó, hiện nay một số cấp ủy Đảng và chính quyền chưa đầu tư các nguồn lực cần thiết để triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; công tác bình đẳng giới nói chung và sự phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể trong truyền thông về bình đẳng giới vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Trung Thành – Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết: “Hàng năm, Sở Y tế đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, phối hợp lồng ghép nội dung truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong trường học, thôn, buôn, tổ dân phố và các buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể...”.
Cán bộ dân số vận động người dân không lựa chọn giới tính thai nhi.
Tuy vậy, để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân, chung tay đẩy lùi tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật; yêu cầu các cơ sở y tế cam kết không tư vấn, chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi...Có như vậy mới thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, từng bước nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ và trẻ em gái...góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác