11/09/2020 03:10
Những năm gần đây tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh Đắk Lắk xảy ra tương đối nghiêm trọng. Trước thực tế đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh.
Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến thừa nam, thiếu nữ trong tương lai.
Theo các chuyên gia về dân số: Tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường từ 103-107 bé trai sinh ra sống/100 bé gái sinh ra sống. Tuy vậy, ở tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2019, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra khá nghiêm trọng. Năm 2016 là 119,5 bé trai/100 bé gái; năm 2017 là 108,8 bé trai/100 bé gái; năm 2018 là 110,3 bé trai/100 bé gái và năm 2019 là 110,1 bé trai/100 bé gái. Trước thực tế đó, tại tỉnh Đắk Lắk, nhiều giải pháp đã được các cấp, các ngành triển khai. Trong đó, phải kể đến Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020. Với các nhiệm vụ trọng tâm: Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao năng lực thực thi pháp luật về cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.
Hàng năm, từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức hàng chục Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về Luật Hôn nhân và Gia đình, Bình đẳng giới, Phòng chống bạo lực gia đình...; các chính sách, pháp luật liên quan đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ đó, huy động sự tham gia vào của của cán bộ, hội viên và những người có uy tín trong cộng đồng. Đồng thời, lồng ghép công tác dân số, bình đẳng giới vào hương ước, quy ước và xây dựng cơ quan, thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa...Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cơ quan, đơn vị đều thường xuyên cập nhật các hoạt động về công tác Dân số-KHHGĐ và Bình đẳng giới. Mỗi năm có hàng trăm tin, bài, phóng sự tuyên truyền về nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Với một số chuyên trang, chuyên mục nổi bật như: Phụ nữ với cuộc sống, Dân số và phát triển, Sức khỏe cho mọi người...Đồng thời, treo băng rôn, khẩu hiệu nhân ngày Dân số thế giới (11/7), ngày Dân số Việt Nam (26/12), ngày Gia đình Việt Nam, ngày quốc tế trẻ em gái... Bên cạnh đó, nhiều mô hình, câu lạc bộ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới từng bước được nhân rộng như: Câu lạc bộ gia đình trẻ, Thanh niên sống đẹp, 5 không 3 sạch; Gia đình Nông dân văn hóa, Người cha tốt của con...Cùng các Cuộc thi Gia đình Hạnh phúc, Con gái thật tuyệt...thu hút hàng ngàn vị thành niên/thanh niên và đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Bà Vũ Thị Xuân – Trưởng Ban Kinh tế-xã hội, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk: “Chúng tôi chú trọng vận động hội viên thực hiện nhiệm vụ đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, chấp hành tốt chính sách Dân số-Kế hoạch hóa gia đình để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc bền vững”.
Một lớp tập huấn về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Trong giai đoạn 2016-2019, các cấp, các ngành và địa phương đã thực hiện hơn 12.000 buổi nói chuyện chuyên đề, trao đổi trực tiếp với người đứng đầu dòng họ, các bậc cha mẹ, những người có uy tín trong cộng đồng...Giúp họ hiểu được thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, các buổi ngoại khóa trong nhà trường cũng thường xuyên được tổ chức để tuyên truyền, tư vấn về giới và bình đẳng giới; nâng cao giá trị của trẻ em gái cũng như tạo điều kiện chăm sóc và hỗ trợ trẻ em gái tự tin phát triển bản thân. Nhưng đặc biệt hơn cả trong công tác truyền thông phải kể đến vai trò tâm huyết cán bộ Chuyên trách và Cộng tác viên dân số cơ sở. Họ đã không quản ngại khó khăn đi đến từng nhà nhất là những cặp vợ chồng đã sinh 1 hoặc 2 con gái để cung cấp phương tiện tránh thai; phân tích hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh...góp phần nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của các tầng lớp Nhân dân về bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Anh Vũ Hoàng Định - Xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc cho biết: “Dù gái hay trai vợ chồng tôi cũng chỉ sinh 2 người con”. Còn anh Lê Ngọc Hà - Xã Ea Ning, huyện Cư Kuin cho biết thêm: “Vợ chồng tôi có 2 người con gái và sẽ không sinh thêm. Quan trọng nhất là chăm sóc các con nên người...”
Đông đảo Nhân dân đồng tình hưởng ứng sinh con trai và con gái theo tự nhiên.
Mặc dù vậy, hiện nay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh Đắk Lắk vẫn còn xảy ra. Tính đến 6 tháng đầu năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh là 109,3 bé trai/100 bé gái. Hậu quả của Mất cân bằng giới tính khi sinh không phải “ngày một, ngày hai” mà khoảng 20-30 năm nữa mới xảy ra. Nó trở thành một thách thức không hề nhỏ trong công tác Dân số-KHHGĐ. Trước thực tế đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong giai đoạn mới./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác