13/09/2020 03:34
Thực hiện Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian qua, ngành chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động. Qua đó, từng bước nâng cao kiến thức, thái độ, kỹ năng thực hành của vị thành niên/thanh niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.
Một lớp tập huấn về Đề án "Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên".
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số - KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên giai đoạn 2018-2020 được triển khai ở 15/15 huyện, thị xã và thành phố. Trong 2 năm 2018 và 2019, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức được 1 lớp tập huấn cho 34 cán bộ quản lý đề án tại huyện; 9 lớp tập huấn cho Cộng tác viên dân số cơ sở. Đồng thời, thực hiện 18 buổi nói chuyện chuyên đề cho cấp Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể, trưởng thôn buôn và cộng tác viên tại xã, phường, thị trấn với tổng cộng 14.000 người tham gia. Bên cạnh đó, tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn còn thành lập và duy trì các góc truyền thông và cung cấp điểm dịch vụ Dân số-KHHGĐ. Bà H’Lê Niê – Trưởng Phòng Dân số-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk: “Chúng tôi phối hợp với các địa phương tăng cường công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/thanh niên. Đồng thời, đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở tích cực vận động vị thành niên/thanh niên nâng cao ý thức và hành vi về thực hiện các dịch vụ Dân số-KHHGĐ, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn...”.
Vị thành niên/thanh niên xã Ea Tu, tp Buôn Ma Thuột tham gia buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Tại các huyện, thị xã và thành phố đã chú trọng việc tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng, sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh trung học...thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham gia. Với các nội dung: Cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý tuổi vị thành niên, tình bạn khác giới, tình yêu lành mạnh, tình dục an toàn, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục…Hoạt động nổi bật và hiệu quả nhất phải kể đến các địa phương như huyện Cư Kuin, Cư Mgar, Ea Kar và thành phố Buôn Ma Thuột. Bà Đỗ Thị Nhiên – Phó trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Chúng tôi quan tâm việc phối hợp với Đoàn thanh niên, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/thanh niên. Giúp các em có thêm sự tự tin trong các mối quan hệ về tình bạn, tình yêu; tạo hành trang vững bước trong tương lai”.
Những năm qua, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh cũng đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn tại cộng đồng. Việc tuyên truyền, giáo dục diễn ra dưới nhiều hình thức như xây dựng các mô hình, câu lạc bộ Tiền hôn nhân; trang bị góc kiến thức, tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong nhà trường...Qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa trong nhà trường và các buổi nói chuyện chuyên đề với chủ đề chăm sóc sức khỏe sinh sản đã giúp cho các em học sinh được cung cấp kiến thức và các kỹ năng cần thiết về sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì. Không những vậy, các em có cơ hội tham gia bày tỏ ý kiến của mình về những thắc mắc, băn khoăn khó nói về những điều thầm kín của bản thân với bố mẹ, thầy cô và những người xung quanh. Em Nguyễn Ngọc Hà My - Xã Ea Ning, huyện Cư Kuin cho biết: “Qua buổi ngoại khóa đã giúp em có đủ tự tin và hiểu biết cơ bản về một số vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sở ở tuổi vị thành niên, đặc biệt là vấn đề phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục”.
Một buổi ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên ở trường học.
Nhằm phát huy hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên, Chi cục DS - KHHGĐ đã nhân bản hàng nghìn tờ rơi về các nội dung: Những điều bạn cần biết ở tuổi vị thành niên/thanh niên, vấn đề tình bạn, tình yêu tuổi dậy thì. Số lượng tờ rơi được phát cho các em học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa hay các buổi tư vấn trực tiếp. Qua đó giúp các em có thêm tài liệu để tự đọc và tìm hiểu về lĩnh vực sức khỏe sinh sản một cách chính thống; tránh tình trạng các em tìm hiểu thông tin sai lệch và tràn lan trên các trang mạng xã hội...Em Nguyễn Thị Thanh Tâm - Xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Nhờ đượccác thầy cô giáo dạy bảo và được cung cấp tờ rơi nên em đã có nhiều hiểu biết về sức khỏe sinh sản, có thêm hành trang cho bản thân trong cuộc sống”.
Tuy vậy, để Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên phát huy hiệu quả, Ngành Y tế và các ban, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu về giáo dục giới tính nhằm trang bị cho các em đầy đủ kiến thức, kỹ năng, chủ động bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân, chuẩn bị hành trang bước vào đời một cách vững chắc.
Dương Thị Liên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác