29/11/2020 10:41
Mặc dù pháp luật đã quy định hết sức rõ ràng về quyền bình đẳng giữa nam nữ trong việc thừa kế tài sản, tuy nhiên hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn bảo thủ với tư tưởng, chỉ con trai mới được thừa kế đất hương hỏa còn con gái thì không.
"Trọng nam khinh nữ" là một tư tưởng phân biệt đối xử theo giới tính, trong đó coi nam giới quan trọng hơn phụ nữ. Đây là tư tưởng tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, chứ không riêng gì ở Việt Nam.
Trên thực tế, ở nước ta có một bộ phận người dân bị ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng phong kiến và nho giáo. Nó ăn sâu bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ. Có câu "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" với ý nghĩa là "một con trai thì là có nhưng mười con gái vẫn là không có".
Theo đó, nhiều gia đình hay dòng họ từ xưa (và thậm chí cả ngày nay) vẫn có tư tưởng coi trọng việc sinh con trai. Nếu không có con cháu trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự và khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người và nơi thờ cúng. Thế nên phần lớn các gia đình hiện nay vẫn phải cố đẻ cho được con trai, nếu không sẽ bị cho là bất hiếu.
Xét ở khía cạnh về quyền thừa kế đất hương hỏa, có thể thấy trong một bộ phận không nhỏ các gia đình ở Việt Nam hiện nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá đậm nét. Rất nhiều gia đình vẫn giữ tư tưởng, việc đẻ con trai là yêu cầu bắt buộc đối với người phụ nữ để duy trì nòi giống, thừa kế đất hương hỏa và để phụng dưỡng cha mẹ lúc về già, khi không còn khả năng lao động. Đây là một tư tưởng lạc hậu, nguyên nhân cốt lõi dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay.
Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải bày tỏ quan điểm: Hiện nay, pháp luật quy định về quyền thừa kế ở nước ta thể hiện rõ ràng sự bình đẳng giữa nam và nữ (tức con gái và con trai đều có quyền thừa hưởng di sản như nhau mà không có sự phân biệt giới tính. Quyền thừa hưởng di sản dựa trên quan hệ về huyết thống hoặc hôn nhân. Đây được gọi là phân chia theo hàng thừa kế).
Điều 651, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".
Trên thực tế, có không ít những vụ việc tranh chấp liên quan đến vấn đề quyền thừa kế di sản của phái nữ. Đa phần, nguyên nhân của những vụ việc tranh chấp xuất phát từ sự bất bình đẳng trong quá trình phân chia di sản mà cha ông để lại.
Cùng là con ruột, cùng sinh ra và lớn lên dưới một mái nhà, cùng có công sức đóng góp, quản lý, tôn tạo cũng như hoàn thành bổn phận làm con như nhau nhưng con gái lại luôn chịu thiệt thòi, đôi khi là tay trắng. Dưới một khía cạnh nào đó, việc quy định rõ quyền bình đẳng thừa hưởng di sản thừa kế là cần thiết và thực sự hợp lý.
Chia sẻ thêm với PV về câu chuyện trên, chị Mai Thị Thu Huyền (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: Giữa quy định pháp luật và thực tế cuộc sống vẫn có độ chênh nhau. Thực tế, trong nhiều gia đình Việt hiện nay (chiếm đa số ở các vùng quê), chỉ có con trai mới được quyền thừa hưởng di sản người đi trước để lại, còn con gái thì mặc định là không. Đây được xem là một việc làm bất công, một tư tưởng lạc hậu, cần sớm được xóa bỏ.
Hiếu Thiện
Nguồn: giadinh.net.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác