30/11/2020 10:44
Quyền của phụ nữ là tập hợp những khả năng pháp luật mỗi quốc gia công nhận cho người phụ nữ được hưởng, được làm và được đòi hỏi. Việc hiểu rõ những quyền này nhằm ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng giới trong mỗi chúng ta.
Chiếm hơn một nửa trong xã hội nhưng phụ nữ lại là đối tượng dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi nhất. Phụ nữ luôn bị thiệt thòi nhiều nhất về sức khỏe, giáo dục, đào tạo, cơ hội việc làm và những nhu cầu khác. Quyền được sống, tự do, an ninh cá nhân, kể cả quyền sống khỏe mạnh của người phụ nữ cũng đã bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau.
Từng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo, một bộ phận người dân nước ta vẫn có tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Song ngày nay, với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự thay đổi mạnh mẽ của gia đình và xã hội đã đem lại nhiều thay đổi về chất của vấn đề giới và phụ nữ. Những đóng góp của phụ nữ không chỉ tạo ra một xã hội tiến bộ, văn minh mà còn phát triển chính bản thân người phụ nữ.
Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa vai trò và vị thế xã hội của phụ nữ. Vì vậy, để tạo ra sự cân bằng giữa vị trí và vai trò của phụ nữ, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giới và vấn đề bình đẳng giới để xóa dần khoảng cách giới ở nước ta.
Pháp luật Việt Nam luôn thể hiện sự quan tâm và bảo vệ cho quyền và lợi ích của người phụ nữ trong đời sống gia đình. Cụ thể, trong bản Hiến pháp năm 1946 quy định: "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử".
Mới nhất là Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: "Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới".
Ngoài ra, trong Luật Bình đẳng giới năm 2006 với mục tiêu: "Xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình".
Tại Điều 18 Luật Bình đẳng giới quy định như sau: "Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật; Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển; Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình".
Trong khi đó, tại Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau: "Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật có liên quan".
Như vậy, nhà nước ta rất quan tâm tới việc ghi nhận và bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ. Ngày từ đời sống gia đình, người phụ nữ được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đây là tiền đề cho sự phát triển hơn nữa quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội và từ đó xây dựng một xã hội bình đẳng giới.
Tuyên truyền bình đẳng giới (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Hay như Bộ luật Lao động có hẳn một chương quy định về lao động nữ. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động, tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp…
Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đảm bảo phụ nữ được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp, mất sức lao động. Lao động nữ được hưởng các chế độ khám thai (nghỉ việc có hưởng lương trợ cấp); nghỉ việc hưởng lương trợ cấp sinh đẻ bằng 100% tiền lương; dưỡng sức sau khi sinh nếu sức khỏe yếu.
Đặc biệt, trong Bộ luật Hình sự hiện hành còn thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý tội phạm là nữ: Người phạm tội là phụ nữ có thai được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử; không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi…
Có thể nói, quyền của phụ nữ Việt Nam trong các bản Hiến pháp và các văn bản pháp luật đều thể hiện rõ 2 yếu tố căn bản đó là "bình đẳng và ưu tiên". Hay như có những quyền được pháp luật xây dựng bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong công việc, trong đời sống chính trị, kinh tế và trong đời sống gia đình. Còn quyền ưu tiên (trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, nghỉ hưu...) có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình với việc đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, đồng thời tránh rủi ro trong nghề nghề nghiệp, trong cuộc sống gia đình và xã hội.
T.Hợp
Nguồn: giadinh.net.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác