Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tại Hội thảo tổng kết 5 năm Thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Ảnh: Duy Dương
"Cần chú trọng tiếng nói, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc"
Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt vai trò của truyền thông, công tác DS-KHHGĐ trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ở nhiều vùng có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống (DTTSRIN), nhận thức của người dân về chính sách dân số được nâng lên, quy mô gia đình ít con thu hút nhiều cặp vợ chồng thực hiện, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số trên cả nước.
Xác định công tác DS-KHHGĐ là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - chính trị - xã hội, thời gian qua, các Chi cục Dân số đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Ở hầu hết các thôn, bản xa xôi, loa truyền thanh, nhà văn hóa thôn, bản là nơi cung cấp thông tin thường xuyên, thiết thực cho đồng bào.
Hoạt động tuyên truyền miệng được đề cao thông qua Già làng, Trưởng bản, người uy tín, đội ngũ báo cáo viên, bộ đội biên phòng, giáo viên, cán bộ y tế…. Việc treo nhiều panô, áp phích, phát băng đĩa, tờ rơi... cũng góp phần vào việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn đồng bào DTTSRIN thực thi pháp luật, xây dựng lối sống văn hóa, bảo vệ môi trường, khuyến học, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống cũng là dịp lồng ghép truyền thông chính sách mới rất tốt. Phần lớn người DTTSRIN thích xem, nhìn trực quan, sinh động nên dễ tiếp thu thông tin mới trong những dịp lễ hội, văn nghệ, chiếu phim, diễn kịch...
Ngoài ra, các cộng tác viên dân số đã tăng cường rà soát, theo dõi, nắm chắc số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, số người sinh con thứ 3 và có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên để có biện pháp truyền thông, tư vấn, vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Ở nhiều địa phương, việc tổ chức họp giao ban hàng tháng được tổ chức thường xuyên để rút ra kinh nghiệm, cũng như tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục và đề ra kế hoạch, phương hướng cho tháng tới.
Đến nay, tại một số địa phương, tỉ lệ huy động trẻ em, học sinh DTTSRIN đến trường tăng, đặc biệt là tỉ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi đến lớp. Việc tăng tỉ lệ huy động trẻ em, học sinh DTTSRIN đến trường đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS ở các tỉnh có học sinh DTTSRIN. Việc dạy Tiếng Việt cho học sinh DTTSRIN cũng như tỉ lệ trẻ em được tiếp cận với giáo dục hiện đại đã phần nào nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là trong công tác tuyên truyền các chính sách bằng ngôn ngữ Tiếng Việt.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt các chương trình chiến lược về "Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 - 2030" theo Quyết định số 499/QĐ-TTg và đảm bảo các mục tiêu đề ra chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Đối với giải pháp truyền thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng: Trước hết chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng tiếng nói, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thì mới nhanh đến được với người dân. Đối với các cán bộ, đảng viên làm công tác tuyên truyền cũng phải làm sao để chuyển được nhận thức từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Để đảm bảo được cân bằng giới tính, tránh chênh lệch tỷ lệ sinh giữa miền núi và đồng bằng, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc ít người và người có khó khăn.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, bên cạnh việc tuyên truyền, chúng ta cần phát huy tốt các tổ chức cộng đồng, cộng tác viên dân số, cộng tác viên y tế, cô đỡ thôn bản để đến từng nhà, rà từng đối tượng và tuyên truyền vận động. "Có như vậy người dân tộc thiểu số người ta mới hiểu được và tham gia tích cực", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Truyền thông gắn liền với văn hóa của đồng bào
Lớp học tiếng dân tộc Phù Lá, Bố Y tại xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. (ảnh: Ban Dân tộc Lào Cai cung cấp).
Ở nước ta, phần lớn các cộng đồng dân tộc thiểu số cư trú phân tán, xen kẽ tại vùng núi với địa hình chia cắt phức tạp, nhiều địa bàn là nơi có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh. Ngoài ra, đời sống người dân đa phần còn khó khăn, trình độ phát triển không đồng đều, trình độ học vấn chưa cao nên việc tiếp cận thông tin cũng có những khác biệt so với các vùng đồng bằng và nhiều khu vực khác.
Từ những khó khăn đó, nhiều năm nay, Đảng, Nhà nước ta luôn dành các điều kiện ưu đãi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cũng như chính sách về phát triển thông tin, truyền thông ở vùng DTTSRIN. Song đến nay, sự thụ hưởng thông tin văn hóa giữa miền xuôi và miền núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn không ít khoảng cách bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chưa thực sự coi trọng văn hóa, hoặc thiếu hiểu biết về văn hóa dẫn đến truyền thông kém hiệu quả.
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, văn hóa có tác động ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng đến hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta, đòi hỏi cần có sự nhìn nhận, đánh giá ngày càng nghiêm túc, cẩn trọng.
Với đồng bào vùng DTTSRIN thường có trình độ nhận thức hạn chế, khó có thể truyền tải thông điệp mang nặng tính lý luận, trừu tượng hóa; hoặc với đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ biết nói tiếng của dân tộc mình mà tiến hành truyền thông bằng tiếng Kinh, hoặc cử cán bộ giỏi tiếng nước ngoài mà không biết tiếng dân tộc thì đồng bào sẽ không hiểu, hiệu quả truyền thông khó được đảm bảo.
Trong công tác truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số, hiểu và nắm bắt được văn hóa của cộng đồng với đặc trưng là tính gắn kết cộng đồng cao để sử dụng "mạng lưới" sẵn có đó, hoặc tạo nên một mạng lưới truyền thông được coi là một trong những biện pháp quan trọng tác động đến chất lượng công tác truyền thông. Từ đó, làm thành dòng chảy truyền thông giữa người truyền thông - thông điệp - đối tượng tác động, giúp chia sẻ những bài học kinh nghiệm, hình thành ý tưởng cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông hiện tại hoặc cho hoạt động truyền thông kế tiếp.
Do vậy, người làm công tác truyền thông cần nghiên cứu kỹ văn hóa bản địa để lựa chọn người truyền thông, chọn thông điệp, hành động truyền thông mang tính gần gũi, phù hợp với tâm thức văn hóa địa phương. Nếu người làm công tác truyền thông trực tiếp không có hiểu biết nhất định về văn hóa, không quan tâm đến văn hóa nói chung cũng như văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, sẽ gây nên những hạn chế, nhược điểm về tri thức và hành động trong quá trình hoạt động truyền thông, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động truyền thông.
Thực tế đã chứng minh, thông điệp truyền thông nếu thể hiện dấu ấn hoặc sự liên kết, tôn trọng văn hóa bản địa sẽ dễ dàng đi vào lòng người, dễ được tiếp nhận và tạo hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy nhận thức, hành động đúng đắn của người dân.
Duy Dương
Nguồn: giadinh.net.vn