Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Trong quá trình đề xuất chính sách, nhất là các chính sách để điều chỉnh mức sinh, việc tổng hợp, tham khảo bài học kinh nghiệm quốc tế là hết sức cần thiết. Chúng ta có thể tổng hợp các bài học kinh nghiệm của các nước như sau:
Thứ nhất, mức sinh tăng cao trở lại sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là bài học kinh nghiệm Indonesia, Indonesia thực hiện Chương trình kế hoạch hóa gia đình từ rất sớm (1945). Mức sinh của Indonesia giảm từ trên 6 con xuống 5,6 con (1971), xuống 3,3 con (1990) và 2,27 con (2000).
Khi đã đặt được thành tựu chương trình KHHGĐ, Indonesia đã tiến hành cải cách. Chính phủ giải thể Bộ Dân số (2001), triển khai Chương trình kinh tế vùng, trao quyền cho chính quyền địa phương quyết định mọi vấn đề, bao gồm cả chính sách dân số mà không cần Trung ương phê duyệt. Trong giai đoạn này, các chính sách dân số đều bị thay đổi và trở nên lỏng lẻo hơn, nguồn lực giảm sút, phương tiện thiếu... dẫn đến mức sinh tăng từ 2,27 con (2000) lên 2,6 con (2007).
Năm 2007, để khống chế được sự gia tăng dân số, Chính phủ tăng cường cam kết và đẩy mạnh quản lý, trở lại cơ chế tập trung, củng cố lại bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, xây dựng các chính sách mới, ban hành Luật Phát triển dân số và gia đình (2009). Song mức sinh giảm chậm, xuống 2,35 con (2016), chưa đạt mức sinh thay thế.
Thứ hai, không có các chính sách và giải pháp can thiệp can thiệp kịp thời, để mức sinh xuống quá thấp, kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm dân số, thiếu lao động ngày càng nghiêm trọng làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, suy giảm ảnh hưởng trên trường quốc tế; thiếu người chăm sóc NCT trong khi số NCT ngày tăng, quỹ hưu trí và quỹ bảo hiểm y tế có nguy cơ bị vỡ và làm cho sự phát triển của đất nước trở nên kém bền vững.
Chúng ta thấy rằng, ở các nước phát triển có hạ tầng kinh tế- xã hội phát triển, năng suất lao động và mức sống ngày càng tăng, song mức sinh thấp hoặc rất thấp, luôn dưới mức sinh thay thế kéo dài hàng chục năm như: Cộng hòa liên bang Đức (gần 50 năm, bắt đầu từ năm 1971), Nhật Bản (hơn 45 năm, từ năm 1974), Hàn Quốc (hơn 35 năm, từ năm 1984).
Tại các nước này, sau một thời gian dài, Chính phủ mới có những thay đổi toàn diện chính sách dân số, mới áp dụng các biện pháp khuyến sinh như: Đức (sau 30 năm), Nhật Bản (sau 15 năm)… Tuy nhiên, mức sinh tại các nước này không đạt được tiến bộ đáng kể nào. Và theo dự báo, họ đang đối mặt với nguy cơ không thể quay trở lại thời kỳ đạt mức sinh thay thế trong vòng 25-30 năm tới và cũng phải đối mặt với việc suy giảm dân số. Dân số nước Đức có thể giảm 15 triệu người (từ năm 2015 đến năm 2050), dân số Nhật Bản có thể giảm 40 triệu người (từ năm 2015 đến năm 2060).
Việc suy giảm mức sinh kéo dài đã gây ra hệ lụy là lực lượng lao động của các nước này giảm liên tục trong thời gian dài. Nước Đức phải bù đắp bằng 7 triệu lao động nhập cư, Chính phủ Đức phải tăng tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi, quỹ hưu trí và quỹ bảo hiểm y tế đối mặt với mất cân đối ngày một tăng. Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, cả trong các hoạt động kinh tế và chăm sóc NCT trong bối cảnh số lượng và tỷ lệ NCT Nhật ngày càng tăng do giảm sinh, nguy cơ cạn Quỹ Hưu trí và áp lực lên Quỹ Bảo hiểm y tế ngày càng lớn. Lực lượng lao động của Hàn Quốc cũng liên tục giảm, lao động nước ngoài không ngừng tăng...
Với những tác động bất lợi của tình trạng mức sinh cao hoặc mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế kéo dài đối với phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Nếu phản ứng chậm thì sẽ đạt kết quả thấp hoặc thập chí không có kết quả.
Việt Nam đã duy trì ổn định mức sinh thay thế trong 14 năm qua. Nghị quyết 21-NQ/TW đã đề ra mục tiêu “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người”, qua đó duy trì và phát huy lợi thế con người, đảm bảo khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động nước ta cũng như sự phát triển bền vững của đất nước trong thế kỷ 21.