22/10/2020 02:11
Công tác dân số được coi là nhiệm vụ chiến lược quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk luôn đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới theo Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng với trọng tâm chuyển từ chính sách Dân số-Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và phát triển.
Một buổi hội thảo về công tác dân số trong tình hình mới.
Nghị quyết số 21 ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới có mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề, mối quan hệ tác động qua lại giữa Dân số và kinh tế xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trong đó, trọng tâm là duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số “vàng”; thích ứng với già hóa, phân bổ dân số, quản lý dân cư và nâng cao chất lượng dân số. Nhằm triển khai Nghị quyết số 21 nghiêm túc, các cấp, các ngành ở tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phù hợp với tình hình của địa phương, tạo cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, định hướng công tác dân số và phát triển. Bà H’Yim K’đoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Nghị quyết 21 đã xác định truyền thông là nhiệm vụ “then chốt” quyết định đến hiệu quả thực hiện công tác dân số. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Các hoạt động truyền thông, giáo dục được thực hiện hài hòa giữa Dân số-KHHGĐ với Dân số và phát triển”.
Ngành Y tế Đắk Lắk thường xuyên tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể nâng cao nhận thức của người dân, hội viên về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời, tập trung bổ sung kiến thức, kỹ năng sống cho thanh niên, trẻ vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân và gia đình; tư vấn các cặp vợ chồng về kế hoạch hóa gia đình, vận động giảm sinh ở vùng có mức sinh cao…Từ đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm thực hiện sinh con có kế hoạch và nuôi dạy con cái đến nơi, đến chốn. Chị Nguyễn Thị Thu Hà – Thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk cho biết:“Vợ chồng tôi sinh được 2 người con gái nhưng chúng tôi quyết định kế hoạch hóa gia đình để để có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy các con cho tốt”.
Cán bộ dân số vận động người dân kế hoạch hóa gia đình.
Song song với vận động giảm sinh, ngành Y tế Đắk Lắk từng bước nâng cao mạng lưới, chất lượng dịch vụ về dân số. Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, các trang thiết bị, dụng cụ được quan tâm đầu tư, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận và sử dụng những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân. Qua đó, nâng cao tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tầm soát, phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh ở thai nhi…từng bước cải thiện giống nòi và nâng cao chất lượng dân số. Chị Lê Thị Quyên – Xã Ea Ning, huyện Cư Kuin cho biết: “Trong quá trình mang thai tôi khám thai đều đặn và sàng lọc trước sinh; sau khi sinh cũng sàng lọc sơ sinh cho con. Kết quả con tôt phát triển khỏe mạnh bình thường đó là niềm hạnh phúc nhất đối với vợ chồng tôi”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác Dân số-KHHGĐ ở tỉnh Đắk Lắc còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Toàn tỉnh có 47 dân tộc anh em chung sống, phong tục tập quán một số nơi còn lạc hậu nên tình trạng tảo hôn, sinh đông con còn xảy ra; tỷ số giới tính khi sinh 110 bé trai/100 bé gái. Ông Phạm Vũ Hoàng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay, Đắk Lắk nằm trong nhóm 33 tỉnh có mức sinh cao; chất lượng dân số còn thấp. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cần triển khai thực hiện tốt mục tiêu giảm sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; đồng thời từng bước chú trọng các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số”.
Chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện.
Thực tế ở tỉnh Đắk Lắk, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21, công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, hành vi của người dân về Dân số và phát triển đã chuyển biến tích cực. Những kết quả đó tác động tích cực, lâu dài tới hiệu quả của các chương trình giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân và những thành tựu phát triển bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, công tác dân số còn một số hạn chế và không ít khó khăn. Do vậy, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới sẽ là giải pháp quan trọng, tạo ra chuyển biến trong nâng cao chất lượng dân số.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác