02/01/2021 10:20
Theo kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 được công bố mới đây cho thấy, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người.
Trong nhân khẩu học, tỷ số giới tính khi sinh là số bé trai trên 100 bé gái. Trong đó, mức cân bằng tự nhiên là 103-107 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) đang có sự chênh lệch rõ rệt ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây được xem là một trong những thách thức lớn đối với công tác dân số hiện nay.
Tại Việt Nam, theo kết quả từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999, TSGTKS là 107 bé trai/100 bé gái; năm 2009 là 110,5 bé trai/100 bé gái; năm 2019 là 11,5 bé trai/100 bé gái.
Không lựa chọn giới tính thai nhi, để việc sinh con trai hay con gái theo quy luật tự nhiên. Ảnh: Mai Hạnh
Theo kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức rất cao.
TSGTKS bắt đầu tăng tại Việt Nam vào khoảng năm 2004, đã đạt mức 112 bé trai/100 bé gái sau năm 2010 và chững lại từ đó đến nay.
TSGTKS ở Việt Nam cao hơn mức sinh học tự nhiên cho thấy, có khoảng 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt năm 2019. Số lượng trẻ em gái thiếu hụt chiếm 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra.
TSGTKS cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng, trong đó TSGTKS tại khu vực nông thôn của Đồng bằng sông Hồng cao hơn ở khu vực thành thị của khu vực này, tương ứng là 115,2 bé trai/100 bé gái và 112,8 bé trai/100 bé gái.
Kết quả nghiên cứu chuyên sâu cũng chỉ ra rằng, mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các nhóm mức sống. Trong 10 năm qua, TSGTKS của nhóm nghèo nhất tăng từ 105,2 lên 108,2 bé trai/100 bé gái; trong khi đó, TSGTKS của nhóm giàu nhất vẫn ở giữ mức cao (năm 2019: 112,9 bé trai/100 bé gái).
Về nguyên nhân, tâm lý ưa thích con trai và nhu cầu cần có con trai tác động tới việc sinh thêm con của các cặp vợ chồng. Những cặp vợ chồng đã có hai con nhưng chưa có con trai, khả năng sinh thêm con cao gấp đôi so với những cặp vợ chồng đã có ít nhất một con trai. Việc sinh thêm con để có con trai đặc biệt rõ rệt ở nhóm dân số có trình độ học vấn cao và mức sống tốt hơn.
Sự ưa thích con trai còn được thể hiện qua việc lựa chọn giới tính trước sinh ngay từ lần sinh đầu, với TSGTKS là 109,5 bé trai/100 bé gái đối với lần sinh đầu tiên; TSGTKS tiếp tục tăng ở lần sinh từ thứ ba trở lên (119,8 bé trai/100 bé gái). Đối với các cặp vợ chồng sinh liên tiếp 2 con gái, TSGTKS của lần sinh thứ ba là 143,8 bé trai/100 bé gái.
Từ các kết quả trên, các chuyên gia nhận định, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số trong tương lai như dư thừa số lượng nam thanh niên. Dự báo cho thấy, nếu TSGTKS vẫn giữ nguyên như hiện nay, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người. Nếu TSGTKS giảm nhanh và đạt mức bình thường vào năm 2039 thì số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 1,8 triệu người.
Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ ràng thực trạng này và đã xây dựng các cơ chế chính sách và pháp lý khác nhau để ứng phó. Luật Bình đẳng giới quy định việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác làm như vậy là vi phạm pháp luật. Pháp lệnh Dân số năm 2003 và Nghị định số 104/2003/NĐ-CP đã nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nghị định số 176/2013/NĐ-CP thậm chí còn đưa ra các quy định chi tiết về các hình phạt cho việc lựa chọn giới tính khi sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi vẫn chưa đem lại nhiều kết quả khả quan.
Các chuyên gia nhận định, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay, phải giải quyết "gốc rễ" của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Theo đó, phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động thay đổi nhận thức của con người, phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong xã hội, vận động nam giới tham gia bình đẳng giới, từ đó dần xóa bỏ việc lựa chọn giới tính thai nhi, góp phần đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Đây cũng là mục tiêu được đưa ra trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Công tác dân số trong tình hình mới cũng như Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Cụ thể, cần đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.
Mai Thùy
Nguồn: giadinh.net.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác