Nhiều tác hại đối với trẻ
Theo các bác sĩ, dậy thì sớm được xác định khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Ðối với bé gái, phần lớn trường hợp đơn thuần chỉ là sự phát triển trước thời hạn. Tuy nhiên, một số trường hợp lại là dấu hiệu cho thấy trẻ mắc một số bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể.
Cha mẹ lo lắng con dậy thì sớm, có thể đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám để được tư vấn, can thiệp kịp thời. Ảnh: News24h
Chị N.N.T (ở huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ) có con gái chưa tròn 8 tuổi đã dậy thì cho biết: "Kết quả đo mật độ xương tương đương trẻ 10 tuổi. Tôi lo cháu mau lớn nhanh sau này sẽ lùn, tội nghiệp".
Dậy thì sớm có thể gây nhiều tác hại đối với trẻ. Những thay đổi trên cơ thể bé gái dậy thì sớm có thể khiến bé ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè, đôi khi bị bạn bè trêu chọc. Một trong những lo ngại của cha mẹ chính là trẻ dậy thì sớm sẽ hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ. Mới dậy thì, trẻ cao lớn nhanh nhưng giai đoạn đó không kéo dài lâu. Bé gái dậy thì sớm có nguy cơ rối loạn nội tiết tố và mắc bệnh hội chứng buồng trứng đa nang khi trưởng thành. Những biến đổi tâm sinh lý trong thời gian dậy thì dễ khiến trẻ lơ là, bỏ bê việc học. Sự phát triển này có thể dẫn trẻ sớm ham muốn tình dục trong khi chưa chín chắn, trưởng thành, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Hệ lụy của việc quan hệ tình dục quá sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, gia tăng tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, thậm chí để lại những sang chấn tâm lý kéo dài đến tương lai.
Đưa trẻ đi thăm khám ngay khi phát hiện có dấu hiệu dậy thì sớm. Ảnh: T.L
BS CKII Ông Huy Thanh (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ) cho biết, thời gian qua, bệnh viện ghi nhận tỷ lệ trẻ bị dậy thì sớm đến khám tại bệnh viện tăng hàng năm. Dậy thì sớm có nhiều nguyên nhân từ di truyền và thói quen trong lối sống sinh hoạt, như tiếp xúc thường xuyên với thiết bị điện tử, sử dụng thức ăn nhanh. Dùng mỹ phẩm sớm cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Sławomir Kozieł (Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan) cho thấy: Trẻ trai dậy thì xuất hiện sớm hơn 1 năm so với trung bình (11,9 tuổi) có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn 2,9cm. Nếu dậy thì xuất hiện sớm hơn trung bình 2 năm thì chiều cao khi trưởng thành thấp hơn 6,8cm. Trẻ gái dậy thì xuất hiện sớm hơn 1 năm so với trung bình (10 tuổi) có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn 4,6cm. Nếu dậy thì xuất hiện sớm hơn 2 năm thì chiều cao khi trưởng thành thấp hơn tới 10,8cm.Trong khi đó, một số thống kê ước tính tại Việt Nam, trẻ dậy thì sớm có chiều cao trưởng thành thấp hơn hẳn bạn bè. Trẻ gái có thể thấp hơn 12cm, trong khi trẻ trai thấp hơn tới 20cm.
Trẻ cần được chẩn đoán và can thiệp kịp thời
BS Bùi Phương Thảo (Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City) cho biết, phần lớn các trường hợp dậy thì sớm ở trẻ hiện nay không có nguyên nhân cụ thể mà chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gây ra biến đổi này, đó là: Trẻ mắc bệnh u não, u nang buồng trứng, u tinh hoàn, các bệnh tuyến giáp; Dậy thì sớm phổ biến ở bé gái hơn bé trai; lượng estrogen đưa vào cơ thể trẻ quá nhiều qua thực phẩm, đồ nhựa; nguyên nhân huyết thống; do thuốc.
Dậy thì sớm, trẻ có thể mất từ 10-20cm chiều cao, lùn hơn hẳn bạn bè.
Quá trình dậy thì sớm ở trẻ có thể tiến triển nhanh hoặc chậm, bố mẹ cần quan sát để không bỏ lỡ cơ hội điều trị cho trẻ.
Theo đó, ở nhóm tiến triển nhanh: Phần lớn các bé gái bị dậy thì sớm (đặc biệt là các trường hợp bắt đầu dậy thì trước 6 tuổi) thuộc nhóm này. Các bé trải qua từng giai đoạn (bao gồm đóng sụn tăng trưởng của xương) với tốc độ rất nhanh nên trẻ sẽ mất rất nhiều chiều cao tiềm năng có thể đạt tới khi đến tuổi trưởng thành. Khi trưởng thành, các bé sẽ thuộc nhóm 5% có chiều cao thấp nhất so với các bạn cùng lứa tuổi.
Ở nhóm tiến triển chậm: Nhiều bé gái tuy bắt đầu dậy thì sớm (đặc biệt là trường hợp bắt đầu dậy thì sau 7 tuổi) nhưng vẫn trải qua tất cả các giai đoạn với tốc độ trung bình. Trẻ sẽ cao vọt lên sớm nhưng vẫn tiếp tục lớn cho đến khi xương đạt độ trưởng thành cuối cùng vào khoảng 16 tuổi.
Cha mẹ nhận thấy trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm nên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa nhi để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Theo các bác sĩ, cha mẹ cần cùng con vượt qua giai đoạn này, giải thích cho trẻ hiểu những thay đổi tâm sinh lý trong quá trình phát triển của trẻ. Thậm chí, cha mẹ có thể đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ đúng cách. Thường xuyên liên lạc với giáo viên theo dõi quá trình học tập của con, để kịp thời động viên con tập trung học hành.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa tình trạng dậy thì sớm, đặc biệt ở bé gái, cha mẹ nên quan tâm thực hành lối sống tích cực trong mỗi gia đình. Ðó là thói quen ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng với các thành phần rau củ quả, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh. Hạn chế tình trạng tăng cân quá mức ở trẻ. Cha mẹ cũng lưu ý hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thực phẩm hay mỹ phẩm, dược phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn chứa độc tố hay thành phần hormone tăng trưởng ảnh hưởng sinh lý của trẻ. Song song đó, thường xuyên vận động, khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe. Giám sát, hạn chế thời gian trẻ tiếp cận với các thiết bị điện tử.
Dấu hiệu và hệ luỵ của dậy thì sớm
Dậy thì sớm ở bé gái có biểu hiện đặc trưng là ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt. Dậy thì sớm ở bé trai có các dấu hiệu như tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, nổi mụn trứng cá, giọng trầm đi. Chiều cao, cân nặng tăng nhanh là biểu hiện dậy thì sớm ở trẻ được ghi nhận ở cả hai giới.
Trong suốt thời kỳ dậy thì, xương trẻ liên tục trưởng thành. Ở trẻ dậy thì sớm, giai đoạn trẻ cao lên nhanh sẽ bắt đầu sớm và kết thúc sớm hơn bình thường. Đầu tiên, trẻ sẽ lớn vọt lên so với bạn bè cùng lứa nhưng sau vài năm, trẻ sẽ ngừng phát triển chiều cao và thường không thể đạt được chiều cao tối đa của người trưởng thành.
Dậy thì sớm ở trẻ gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn như giới hạn sự phát triển chiều cao, gây rối loạn tâm lý cho trẻ... Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, các bậc phụ huynh nên cho con đi thăm khám, chẩn đoán và can thiệp sớm để đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ về mức bình thường.
TS.BS Bùi Phương Thảo
(Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City)
Thu Sương – Mai Anh
Nguồn: giadinh.net.vn