01/08/2021 02:58
Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40 (2020), lần đầu tiên có giải thưởng về đề tài Dân tộc - Miền núi. Đây được coi là hành động khuyến khích cho các nhà làm phim chú ý hơn đến mảng đề tài này khi thực tế những năm gần đây, phim truyện nhựa, phim tài liệu về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi được “xuất xưởng” chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Những năm trước đây điện ảnh đã có nhiều bộ phim phản ánh sinh động và thiết thực cuộc sống của đồng bào các dân tộc và miền núi. Trong đó có những phim đã trở thành tác phẩm xuất sắc của điện ảnh Việt Nam như Vợ chồng A Phủ, Kim Đồng, Chom và Sa, Cô gái vùng cao, Trở lại Sam Sao, Tình thắm Sapa, Đỉnh núi mờ sương, Tình yêu Seoly, Chim phí bay về cội nguồn,...
Thế nhưng những năm gần đây, có thể thấy rõ, trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyện, thì mảng đề tài dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ngày càng ít ỏi. Hằng năm, những bộ phim truyện nhựa, phim tài liệu truyền hình dài tập về đề tài DTTS - miền núi được “xuất xưởng” chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một cảnh trong phim Mùa xuân ở lại
Gần nhất, đáng chú ý có bộ phim “Mùa xuân ở lại” của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng lên sóng VTV năm 2020. Bộ phim xoay quanh chủ đề giáo viên cắm bản. Vẫn là những cô giáo miền xuôi nhỏ nhoi, lẻ loi, cô đơn giữa rừng xanh bạt ngàn khi lên vùng cao dạy học. Sau mỗi buổi lên lớp, các cô lại lóc cóc đến từng nhà trong thôn bản vận động trẻ con đi học nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu của các ông bố bà mẹ. Với người dân miền cao, trẻ con còn bận trông em, lên nương, lên rẫy, làm gì còn thời gian đi học cái chữ!
Đã có giáo viên cắm bản thì tất sẽ có những người lính biên phòng ngày đêm tuần tra gìn giữ sự bình yên cho nhân dân. Từ đó, họ gặp gỡ, giao duyên... Và tất nhiên, “Mùa xuân ở lại” sẽ không thể thiếu hình ảnh những em nhỏ lem luốc, ngơ ngác đến trường. Những câu chuyện ấy được lồng vào sắc màu mênh mang của núi rừng: cánh rừng, ngọn núi trập trùng, dòng thác trắng xóa, con đường độc đạo bám bên sườn núi, chợ phiên lao xao, giai âm vũ điệu vẫn là múa khèn tình tứ,...
Cảnh trong phim "Lặng yên dưới vực sâu"
Trước đó, với độ dài 32 tập, bộ phim “Lặng yên dưới vực sâu” của đạo diễn Đào Duy Phúc cũng là một điểm nhấn đáng chú ý về đề tài miền núi. Phim kể về câu chuyện tình trắc trở của đôi trai gái người Mông ở vùng cao, họ luôn tìm cách vượt lên cuộc sống khắc nghiệt để tìm đến hạnh phúc đích thực. Bộ phim đã mang lại nhiều thành công cho đoàn phim, đặc biệt là dành Giải thưởng Cánh diều Bạc năm 2017.
Một thực tế cho thấy, sử dụng điện ảnh trong công tác thông tin, tuyên truyền sẽ đạt những hiệu quả đặc biệt, nhất là đối với vùng DTTS và miền núi. Bởi điện ảnh có sức hấp dẫn và tác động mạnh mẽ tới người xem qua hình ảnh sống động và âm thanh trung thực.
Đến nay, những bộ phim hay về đề tài dân tộc và miền núi nếu khéo léo khai thác sẽ chinh phục được khán giả bởi đời sống đồng bào vùng cao vẫn còn là “bí ẩn” với nhiều người. Có thể thấy, ở đó có quá nhiều câu chuyện, vấn đề như: Khó khăn về kinh tế, thiếu hiểu biết; sự thay đổi của kinh tế thị trường làm sao vẫn giữ vững được bản sắc dân tộc, nét văn hóa độc đáo của người vùng cao; Những giằng xé đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, xóa bỏ hay giữ lại những tập tục những ràng buộc hệ lụy phải gánh chịu bởi những quy định lạc hậu từ bao đời nay (tảo hôn, hôn nhân cận huyết,...); Hay cuộc chiến giữa tội ác và sự thiện lương ở những vùng biên ải với các thế lực thù địch, phản động, vùng có nhiều tội phạm ma túy, buôn bán người, tội phạm xuyên quốc gia... Vấn đề đặt ra là đưa vào phim ảnh ra sao để ra "màu" dân tộc mà vẫn thuyết phục người xem là trăn trở của những người làm điện ảnh?
Những bộ phim hay về đề tài dân tộc và miền núi nếu khéo léo khai thác sẽ chinh phục được khán giả. Ảnh minh hoạ
Đối với các nhà quản lý phải có một chiến lược phát triển lâu dài cho phim về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi và phải có sự ưu tiên cho dòng phim này. Còn đối với các nhà làm phim phải thay đổi cách nghĩ, các làm phim mới; các câu chuyện, vấn đề, bài học đặt ra cần phù hợp với tâm lý, nhận thức của mỗi dân tộc để cuốn hút được người xem. Đó là điều mà những người làm văn hóa, làm điện ảnh phải suy nghĩ và nhanh chóng có câu trả lời bằng những bộ phim thực sự nhân văn và hấp dẫn.
Còn nhớ, tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40, năm 2020, ngoài các giải thưởng như mọi năm, lần đầu tiên Ban Tổ chức có thêm giải thưởng về đề tài Dân tộc - Miền núi. Theo đó, 14 tác phẩm xuất sắc về đề tài Dân tộc - Miền núi đã được trao giải. Giải thưởng do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam trao tặng. Đây được coi là hành động khuyến khích rõ ràng nhất cho những nhà làm phim chú ý hơn đến đề tài DTTS và miền núi.
Hay mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch sản xuất và đặt hàng các chương trình phục vụ đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo năm 2021, với nhiều nội dung đa dạng, phong phú. Với những nỗ lực trên, tin rằng trong tương lai gần, người xem sẽ được đón nhận nhiều bộ phim, các chương trình truyền hình chất lượng, phản ánh về đời sống của đồng bào các DTTS.
Các nhà quản lý phải có một chiến lược phát triển lâu dài cho phim về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi và phải có sự ưu tiên cho dòng phim này. Ảnh minh hoạ
An Khánh
Nguồn: giadinh.net.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác