Số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch…
Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi có 6,8 bệnh. Với sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, người cao tuổi dễ mắc Covid-19 và diễn biến bệnh thường nặng.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng phòng bệnh COVID-19, người cao tuổi cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng, đa dạng các món ăn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong chế độ ăn cần đủ chất đạm từ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt lợn, thịt gà, cá, tôm, trứng, các loại đậu đỗ. Do khả năng tiêu hóa và hấp thu của người cao tuổi kém nên cần ăn nhiều bữa, ngoài 3 bữa chính (sáng, trưa, tối) nên ăn thêm các bữa ăn phụ.
Cùng với đó, người cao tuổi nên ăn nhiều rau tươi, quả chín, đây là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng cho cơ thể, chúng có vai trò quan trọng đối hệ miễn dịch, chống oxy hóa, bảo vệ toàn vẹn tế bào trước những tác nhân có hại từ môi trường (vi khuẩn, virus...).
Đặc biệt, người cao tuổi chú ý uống đủ nước, luôn chú ý ăn chín, uống sôi, ăn các thực phẩm tươi, sạch, an toàn, chế biến đảm bảo vệ sinh để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm. Nếu trường hợp mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, suy thận, suy tim thì thực hiện chế độ ăn điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, người cao tuổi nên thực hiện chế độ sinh hoạt, duy trì hoạt động và tập thể dục phù hợp hàng ngày. Tất cả người cao tuổi nên được khuyến khích để tìm một chương trình luyện tập mà họ ưa thích và có thể tham gia thường xuyên.
Luyện tập thường xuyên giúp làm chậm quá trình lão hóa, đặc biệt trên hệ cơ xương khớp. Đồng thời, người cao tuổi cần thực hiện nếp sống vui vẻ, đảm bảo giấc ngủ ngon và sâu, luôn giữ tinh thần lạc quan và lối sống lành mạnh.