Năm 2007, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm tới gần 70% dân số, đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới.
Mặc dù nước ta đã duy trì mức sinh thay thế trong hơn 10 năm qua nhưng hiện nay đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng; xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển; trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con…
Các chuyên gia nhận định, nếu trước đây khi chưa đạt mức sinh thay thế thì mục tiêu xuyên suốt của chúng ta là giảm sinh. Nay, Việt Nam đã gần 15 năm đạt mức sinh thay thế do vậy mục tiêu của cả nước là duy trì vững chắc mức sinh này. Từ năm 2006, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và duy trì mức sinh này trong gần 15 năm qua.
Quyết định 2019/QĐ-BYT về việc công bố danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, Bộ Y tế công bố vùng mức sinh cao gồm 33 tỉnh: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đắk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Hà Nam.
Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng mức sinh không đồng đều giữa các vùng, khu vực. Nơi mức sinh cao đang có xu hướng tiếp tục tăng sinh; nơi mức sinh đang xuống quá thấp. Cụ thể, có 33 tỉnh có mức sinh cao phần lớn thuộc các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là những tỉnh còn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long là những vùng có mức sinh giảm sâu dưới mức thay thế, kể cả vùng nông thôn, từ năm 2009. Ngược lại, ở những vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung lại chưa bao giờ đạt được mức sinh thay thế. Nhiều tỉnh còn có mức sinh khá cao như Hà Tĩnh, Kom Tum, Lai Châu với gần 3 con/1 phụ nữ.
Đây là thách thức đối với công tác dân số ở nước ta. Nguyên nhân là do trình độ phát triển, văn hóa, phong tục tập quán, hiệu quả của chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình của các vùng là khác nhau. Cần có những giải pháp hiệu quả để duy trì vững chắc mức sinh thay thế ở nước ta, đóng góp vào sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
Giáo sư Nguyễn Đình Cử nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng, các giải pháp phải phù hợp với mức sinh của từng vùng. Chẳng hạn, đối với Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long thì cần thực hiện chính sách khuyến sinh, tức là mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Còn đối với những vùng chưa đạt mức sinh thay thế thì vẫn cần tiếp tục chính sách giảm sinh. Các biện pháp này có thể bao gồm truyền thông, nhưng nội dung truyền thông phải thay đổi để phù hợp từng vùng.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử: "Chính sách cung cấp phương tiện và dịch vụ tránh thai đối với những vùng đã đạt mức sinh thay thế thì kênh thị trường có thể là chính còn đối với các vùng mức sinh còn cao thì hỗ trợ, thậm chí phân phát miễn phí vẫn là phương thức quan trọng".
Ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Quyết định này đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; đồng thời duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.